Thứ Ba, 10-12-2024 03:59
img

Vai trò của lực lượng Thanh niên trong hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng

Quyền tác giả, quyền liên quan là một bộ phận quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong góp phần bảo vệ và khai thác các giá trị văn học, nghệ thuật, khoa học, thu hút đầu tư, sáng tạo trong và ngoài nước, hội nhập kinh tế quốc tế; đóng góp vào GDP, việc làm, xuất khẩu và nhập khẩu của các ngành công nghiệp sáng tạo, khuyến khích sự sáng tạo, tạo ra sản phẩm có giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Việc sáng tạo, truyền bá và lưu trữ tác phẩm dưới hình thức số hóa dần trở nên phổ biến, cùng với đó, việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng cũng ngày một nghiêm trọng hơn.

Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng thường xuyên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số cao nhất thế giới. Hầu hết giới trẻ đều lên mạng hằng ngày, tham gia vào việc sáng tạo, sử dụng nội dung số về văn học, nghệ thuật, khoa học. Trong quá trình đó, rất nhiều tổ chức, các nhân đã vô tình hoặc cố ý vi phạm bản quyền. Đây là thách thức đặt ra không chỉ với Việt Nam mà là thách thức chung của các quốc gia hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, bởi tính chất truyền tải xuyên biên giới của các nền tảng trên không gian mạng.

Do vậy, cần có các quy định bảo hộ và phòng chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế. Các Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng ra đời đã góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay phải kể đến như Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.

Các chuyên gia tại Tọa đàm thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng (ảnh minh họa) – Thanh Tú

  1. Quá trình hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam

Việt Nam đã và đang chủ động trong hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 08 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan: Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và các tổ chức phát sóng; Công ước Geneve về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống lại việc sao chép trái phép bản ghi âm của họ; Công ước Brussel liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh; Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Hiệp ước WCT của Tổ chức sở hữu Thế giới về quyền tác giả; Hiệp ước WPPT của Tổ chức sở hữu Thế giới về cuộc biểu diễn và bản ghi âm; Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương (Hiệp định quyền tác giả, quyền liên quan và Hiệp định Bảo hộ Sở hữu trí tuệ) và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền liên quan như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (Hiệp định EVFTA), với Hàn Quốc (Hiệp định VKFTA), với khu vực Tây Bắc Á (Hiệp định VNEAEUFTA).

Việc chủ động tham gia Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) của Việt Nam trong năm 2022 cũng thể hiện những nỗ lực của chúng ta trong tiến trình hội nhập sâu, rộng với quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trên môi trường Internet.

 – Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT) có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/02/2022.

– Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/7/2022.

– Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh) có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 07/12/2022.

Theo các cam kết quốc tế trên, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam được hưởng sự bảo hộ tại các quốc gia thành viên của Điều ước và ngược lại, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan của các quốc gia này.

Việc hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan đã góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế. Đồng thời, chúng ta cũng đã có được nhiều bài học kinh nghiệm về việc tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Tác động đối với Việt Nam khi gia nhập các ĐƯQT về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng

Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, thậm chí gây ra những thiệt hại về tài sản, cơ hội kinh doanh của chủ thể quyền, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội. Internet là môi trường không biên giới, do đó cần có sự hợp tác quốc tế, sự chung tay của các nước trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Vì vậy, việc gia nhập Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT phù hợp với chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, vừa là cần thiết để khuyến khích phát triển các hoạt động sáng tạo và sử dụng tác phẩm ở trong nước, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nghĩa vụ quốc tế đã và sẽ cam kết.

Việc gia nhập các ĐƯQT về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng sẽ mang lại một số lợi ích như sau:

Thứ nhất, khuyến khích các cá nhân, các công ty sáng tạo và phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm trong không gian mạng;

Thứ hai, nội luật hóa các quy định của các Hiệp ước này sẽ góp phần tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho thương mại điện tử lành mạnh; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: âm nhạc, điện ảnh, xuất bản, chương trình máy tính v.v…;

Thứ ba, góp phần thu hút đầu tư và bảo vệ sự sáng tạo và văn hóa truyền thống của địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền trên phạm vi quốc tế;

Thứ tư, tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, nâng cao uy tín, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế tại diễn đàn đa phương và có cơ hội được hưởng trợ giúp kỹ thuật nhiều hơn từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WIPO.

Thực thi các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có việc gia nhập các Hiệp ước về Internet của WIPO (WCT, WPPT), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã đưa vào nhiều quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số như quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số, đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, truyền bá, phổ biến tác phẩm trên không gian mạng; vai trò, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với các hoạt động trên không gian mạng; về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số; về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với chương trình máy tính và dữ liệu…

Các chuyên gia tại Tọa đàm Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng (ảnh minh họa) – Thanh Tú

3. Vai trò của lực lượng Thanh niên trong bảo hộ bản quyền trên không gian mạng

Thanh niên Việt Nam chiếm số đông trong dân số cả nước, với độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, tham gia trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Khoản 1 Điều 4 Luật Thanh niên năm 2020 quy định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Trong bảo hộ bản quyền trên không gian mạng và hội nhập quốc tế, lực lượng Thanh niên đóng vai trò quan trọng:

Lực lượng Thanh niên Việt Nam có những phẩm chất đặc trưng nổi bật, rất đáng quý là thông minh, cần cù, hiếu học và cũng rất tiềm năng về sáng tạo, luôn là nguồn sức mạnh sáng tạo, năng động với khả năng thích ứng cao, khát vọng được cống hiến, được nghiên cứu, khám phá những cái mới với tư duy kiến tạo, hướng đến xây dựng tương lai tươi sáng hơn. Thế hệ trẻ cũng gắn liền với không gian mạng, với giao lưu, hội nhập quốc tế. Do đó, cần phát huy mạnh mẽ những phẩm chất này của lực lượng Thanh niên khuyến khích, hỗ trợ cá nhân đổi mới, sáng tạo, thanh niên khởi nghiệp, chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Thanh niên là lực lượng góp phần truyền bá các sản phẩm sáng tạo trong không gian mạng. Nhu cầu được tiếp cận, tìm tòi khám phá những sáng tạo mới, những nghiên cứu mới và nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của các bạn trẻ luôn là rất lớn. Môi trường chủ yếu để các bạn trẻ tiếp cận và thưởng thức các tác phẩm này cũng làlà trên các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội. Sự lan tỏa của nội dung các sản phẩm văn hóa nghệ thuật…công nghệ số vô cùng nhanh chóng và xuyên biên giới. Thời gian qua đã có nhiều minh chứng về các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tích cực của Việt Nam được lan tỏa đến bạn bè quốc tế như bài hát “See tình” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện trên các nền tảng số, mạng xã hội . Thế hệ trẻ hiện nay đã góp phần truyền bá các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam không chỉ trong nước mà trên thế giới, mang lại lợi ích về kinh tế, tinh thần cho các chủ thể thể, từ đó quảng bá văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Thanh niên đi đầu trong việc tôn trọng, bảo vệ bản quyền. Là lực lượng chủ yếu khai thác, sử dụng các sản phẩm sáng tạo, thanh niên cần phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền, sử dụng các sản phẩm có bản quyền và tuyên truyền, truyền thông các sản phẩm có bản quyền đến cộng đồng. Góp phần xây dựng một cộng đồng trẻ văn minh, tích cực, tôn trọng bản quyền, từ đó tạo động lực để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cống hiến cho đất nước.

Chi đoàn thanh niên Cục Bản quyền tác giả hỗ trợ người dân đến làm thủ tục đăng ký bản quyền (ảnh minh họa) -Thanh Tú

4. Thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp

  1. Thuận lợi

Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nhận được sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý, thực thi hiệu quả hơn.

Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng; các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức/cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại – tài sản trí tuệ.

Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương có hoạt động đạt kết quả đáng khích lệ, từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống.

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…

  1. Tồn tại, khó khăn, vướng mắc

Sự thay đổi, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, sự tiến bộ về công nghệ kỹ thuật và việc thực thi cam kết nghĩa vụ tại các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường thực thi pháp luật về QTG QLQ .

Dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm QTG QLQ trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau;

Công tác bảo hộ QTG QLQ nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm QTG QLQ trên internet chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

  1. Nguyên nhân

Vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ của các tổ chức, các nhân nhất là bộ phận thanh niên về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền.

Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa.

Đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp và phần nào làm thay đổi thói quen tham gia trực tiếp các hoạt động trực tiếp như: chiếu phim tại rạp, triển lãm, hội chợ, biểu diễn trực tiếp… thay vào đó là các hoạt động trực tuyến diễn ra đa dạng dưới nhiều hình thức trên không gian mạng và xu hướng ngày càng phát triển, cách thức, Vì vậy, công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số gặp nhiều khó khăn hơn.

  1. Một số giải pháp

Một là, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số. Lực lượng Thanh niên, đại diện là các Hội/Hiệp hội liên quan phát huy tích cực và thực hiện có hiệu quả vai trò phản biện xã hội trong xây dựng chính sách pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Hai là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội (người sáng tạo, người khai thác, sử dụng và công chúng); lực lượng Thanh niên phải phát huy hơn nữa vai trò xung kích, tiên phong của mình công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho thế hệ trẻ;

Ba là, tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vất chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số;

Bốn là, phát huy vai trò, tính chủ động của các hội/hiệp hội/tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ trong việc thực thi, bảo vệ QTG, QLQ; các chủ thể quyền chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả;

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.

Sáu là, Nhà nước cần có các chính sách tổng thể để tạo thị trường, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó tập trung quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan;

Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết luận

Thế hệ trẻ chính là những người giàu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, là “nguồn” tạo ra tài sản trí tuệ to lớn của đất nước, là thế hệ kiến tạo tương lai. Trong công cuộc bảo hộ bản quyền theo phương thức mới (trên không gian mạng), thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thế hệ trẻ có thể nói là lực lượng nòng cốt. Bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng sẽ tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm trên không gian mạng, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Nhằm phát huy các giá trị sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát xao hơn nữa của các cấp lãnh đạo đối với công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công tác phát triển công nghiệp văn hóa.

Nguyễn Dương Tùng

img