Hội thảo góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Sáng 20/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước góp ý dự thảo “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Chiến lược).
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chủ trì, có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là thành viên Ban soạn thảo xây dựng Chiến lược, đại diện Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Cục Xuất bản, In và Phát hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Cục: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Du lịch Quốc gia Việt Nam, Văn hóa cơ sở, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Di sản văn hóa, Hợp tác quốc tế, các Vụ: Pháp chế, Đào tạo, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam… và nhiều cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL; các doanh nghiệp, tập đoàn Vingroup, CJ Group, Đất Việt VAC, Yeah1, Cát Tiên Sa; Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Tổ chức sáng tạo Hanoi Grapevine, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Công ty đầu tư Điện ảnh Dolfilm, TS. Tom Fleming – Chuyên gia CNVH của Hội đồng Anh tại Hà Nội, các nhà sáng tạo, các chuyên gia hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, Hội thảo được truyền trực tuyến tại 63 điểm cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam được đề cập qua nhiều văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ. Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua 8 năm triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg, công nghiệp văn hóa đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế ước đạt 4,04%, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Các cơ chế, chính sách liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang từng bước được hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự chia sẻ thẳng thắn, trách nhiệm, những ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo Chiến lược. Trong đó, cần thảo luận, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách cụ thể (thuế, đất đai, đầu tư, hợp tác công – tư, tiếp cận tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên, như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa,…) để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, báo cáo quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược và trên cơ sở ý kiến đóng góp của thành viên Ban Soạn thảo, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, từ đó tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Chiến lược. Dự thảo Chiến lược đề xuất 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành CNVH trọng tâm gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời xác định một số dự án, đề án, chương trình ban hành kèm theo Chiến lược khi được phê duyệt, ban hành.
Tại Dự thảo Chiến lược mới này, Ban Soạn thảo đề xuất một số mục tiêu, định hướng cụ thể bám sát yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ nội hàm của công nghiệp văn hóa là các ngành tạo ra sản phẩm kết hợp các yếu tố văn hóa, sáng tạo, công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Mục tiêu đề ra phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo sức lan tỏa, kết nối đa ngành, đa lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế – xã hội, quảng bá văn hóa Việt Nam, khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
Điểm cầu trực tuyến tham dự Hội thảo tại các tỉnh, thành phố
Định hướng phát triển trong thời gian tới, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa chất lượng cao và mang bản sắc văn hóa Việt Nam; tạo hệ sinh thái liên kết mang tính chuyên nghiệp, đồng bộ giữa sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu dùng. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi nhất để giữ vai trò trung tâm kết nối. Đặc biệt, để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, cần tập trung phát triển có trọng tâm 5 ngành: (1) Điện ảnh (phim truyện, phim hoạt hình); (2) Nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc trẻ, đương đại và một số loại hình nghệ thuật truyền thống); (3) Quảng cáo (sản phẩm quảng cáo trên nền tảng số); (4) Phần mềm và các trò chơi giải trí (trò chơi trên mạng viễn thông, mạng internet, game online); (5) Du lịch văn hóa (sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, riêng biệt, cá biệt hóa trải nghiệm của du khách).
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
TS. Tom Fleming, Chuyên gia CNVH của Hội đồng Anh tại Hà Nội
Các đại biểu trao đổi ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược
Tại Hội thảo, các đại biểu góp ý, bổ sung những vấn đề được đưa ra trong dự thảo Chiến lược. Nhiều ý kiến hay, có giá trị tập trung những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của dự thảo về mục tiêu đề ra, định hướng phát triển và các nhiệm vụ giải pháp dựa trên thực tiễn đánh giá kết quả triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg trong thời gian qua. Các đại biểu tham gia góp ý trực tiếp tại hội trường: đại diện các đơn vị của Bộ VHTTDL, các tổ chức, chuyên gia của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Tổ chức sáng tạo Hanoi Grapevine, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Công ty đầu tư Điện ảnh Dolfilm, Hội đồng Anh,… Các ý kiến đều nêu bật vấn đề cốt lỗi cần tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh đầu tư dàn trải; xác định rõ cơ chế hợp tác công tư để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hồ An Phong cơ bản nhất trí với các nội dung, ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu. Ban Soạn thảo cần tập trung hoàn thiện dự thảo Chiến lược để tạo đột phá cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tập trung xây dựng chính sách chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường văn hóa; chính sách hợp tác công tư để nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng và huy động tài chính trên thị trường văn hóa; chính sách khuyến khích bảo vệ nội dung sáng tạo, quyền tác giả và quyền liên quan; chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, một số sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển văn hóa, nghệ thuật.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng giao Cục Bản quyền tác giả tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược, gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, để sớm trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.
An Phước Hạnh