Chủ Nhật, 08-01-2023 01:00
img

BÀI PHÁT BIỂU CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021 CỦA BỘ VH,TT&DL

  1. Tình hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới

Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp văn hóa của UNESCO công bố năm 2017 thì ngành này có tổng doanh thu lên đến 2.250 tỷ USD (US$2,250b)[1] và tạo ra việc làm cho 29,5 triệu lao động. Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, ngành này đóng góp xấp xỉ 4,04% doanh thu toàn cầu và chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới.

Có thể kể đến một số quốc gia đã đạt được những thành tựu nổi bật về công nghiệp văn hóa trên thế giới như: Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

  1. Tình hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Nhằm xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hóa, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, tại Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ nhệm vụ “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa”.

Quán triệt tinh thần này, ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), theo các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể với 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công, mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trực tiếp quản lý đối với 05 ngành: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Quảng cáo; Du lịch văn hóa.

Năm 2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tiến hành Sơ kết 03 năm thực hiện Chiến lược, qua công tác kiểm tra, tổng hợp thấy được một số kết quả ban đầu như sau:

– Một là, ngoài việc nâng cao nhận thức, các bộ, ban, ngành đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, cụ thể như:

+ Luật “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ” số 42/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 tại Kỳ họp thứ 7, hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019, trong đó có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.

+ Luật Thư viện ngày 21/11/2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Luật Thư viện gồm 6 Chương, 52 Điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

+ Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/6/2019 tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Kiến trúc gồm 05 Chương và 41 Điều quy định các nội dung về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Ngoài ra còn có các Nghị định, Thông tư ban hành dưới Luật nhằm triển khai các nhiệm vụ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

– Hai là, đã ban hành chính sách, kế hoạch và hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá các ngành công nghiệp văn hóa trong và ngoài nước.

– Ba là, đã triển khai hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới.

Một số lĩnh vực đã tạo ra doanh thu đáng kể như: thời trang, điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn,… ví dụ: điện ảnh doanh thu năm 2019 là hơn 4.000 tỷ đồng (tương đương gần 174 triệu USD). Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác triển khai thực hiện Chiến lược.

Theo chúng tôi, ngành công nghiệp văn hóa cần hội tụ đủ 04 yếu tố: sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kinh doanh.

Dễ dàng nhận thấy rằng Việt Nam có rất nhiều yếu tố sáng tạo. Thống kê của Dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam 2018-2021” do Liên minh Châu Âu kết hợp với Hội đồng Anh và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì có hơn 400 không gian sáng tạo trải dài trên khắp cả nước; hơn 3,346 người sáng lập, quản lý. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố năm 2019, Việt Nam xếp 42/129 quốc gia/nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (tăng 3 bậc so với năm 2018, tăng 17 bậc so với xếp hạng năm 2016).

Với vốn văn hóa, Việt Nam có một kho tàng văn hóa đặc sắc bao gồm di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu phong phú, với các thiết chế, công trình văn hóa trải khắp cả nước.

Điểm hạn chế ở đây là yếu tố khoa học công nghệkinh doanh. Hiện nay, chúng ta chưa kịp thời áp dụng được những thành tựu của khoa học kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống, cũng như chưa có đội ngũ công nghệ cao đáp ứng được sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Thị trường văn hóa đang trong giai đoạn gây dựng, do vậy không tạo được sức hút đối với các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

  1.  Những nội dung cần thực hiện trong thời gian tới

Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong kế hoạch công tác của Bộ đã xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một điểm nhấn, và là 1 trong 6 quan điểm phát triển của toàn ngành.

Tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 02/6/2021,  Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: ”đây là lĩnh vực khó, đặc thù, phải có chính sách đúng tầm, phù hợp. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, tiền năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những nội dung sau:

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Mục tiêu là phát triển đồng bộ 12 ngành công nghiệp văn hóa cùng với sự tham gia có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương để tạo sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực.

2. Xây dựng Chương trình hành động nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ:

– Thứ nhất, tập trung quản lý nhà nước đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số ngành công nghiệp văn hóa. Đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; hoàn thiện chính sách đặt hàng, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ ba, tổng điều tra về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP, xuất nhập khẩu và việc làm, đây là cơ sở để xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về công nghiệp văn hóa.

Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường ứng dụng, thành tựu của khoa học – kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ sáu, xác định một số sản phẩm cụ thể, chủ lực làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Qua thực tiễn triển khai thực hiện Chiến lược, cần tập trung vào các sản phẩm sẵn có tiềm năng và lợi thế như: lĩnh vực điện ảnh (phim sản xuất trong nước), nghệ thuật biểu diễn (một số bộ môn nghệ thuật có thế mạnh), du lịch văn hóa (du lịch ẩm thực), thời trang…

Thứ bảy, xây dựng cơ chế phối hợp, hợp tác, liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Hạn chế sự chồng chéo, lãng phí, thiếu liên kết, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong việc khai thác sử dụng các nguồn lực, đồng thời, tập trung đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, tạo hệ thống cơ sở vật chất cho các hoạt động của ngành, đặc biệt là những công trình có quy mô, kiến trúc biểu tượng (xây dựng cơ chế hợp tác giữa các địa phương để sử dụng tối đa được nguồn cơ sở vật chất hiện có).

Thứ tám, tạo một hệ sinh thái kết nối các tổ chức và người làm sáng tạo, khuyết khích hình thành các không gian sáng tạo.

Kính thưa Hội nghị, để đảm bảo thực hiện thành công những nội dung trên, trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất mong muốn có sự phối hợp chung tay của các Bộ, ngành, địa phương từ việc xây dựng đến triển khai chương trình hành động.

Xin cảm ơn Bộ trưởng, Quý vị đại biểu và toàn thể Hôi nghị!

 

Lê Hồng Phong

   [1] CISAC, UNESCO, Cultural times the frist global map of cultural and creative industries, 2015

 
img