Chủ Nhật, 08-01-2023 01:39
img

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với Cục Bản quyền tác giả về công tác xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Sáng ngày 13/10, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả về công tác xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, qua thực tiễn gần 15 năm thi hành đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khuyến khích hoạt động sáng tạo; thu hút đầu tư nước ngoài;…, tuy nhiên cùng với sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thời gian qua cho thấy Luật SHTT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Ngày 28/9/2020, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với Vụ Pháp chế có buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng về việc xây dựng Dự thảo. Ngày 06/10/2020, Tiểu ban soạn thảo Dự án Luật đã có phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy. Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại cuộc họp, cho đến nay, Cục Bản quyền tác giả đã nhận được ý kiến góp ý chính thức của 7 Cục, Vụ có liên quan, đã rà soát, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo. Dự thảo sửa đổi, bổ sung các điều bám sát các chính sách mà Quốc hội đã thông qua.

 

Ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục BQTG phát biểu tại cuộc họp

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật trình bày về các nội dung sửa đổi, bổ sung; tiến trình xây dựng Dự thảo nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật. Theo đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; luật hóa một số quy định đang được thực hiện tại các văn bản dưới luật; giải quyết những vướng mắc thực tiễn đặt ra; tập trung vào 5 nhóm nội dung sau:

1. Sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền liên quan;

2. Sửa đổi quy định về giới hạn ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan: quy định tại Điều 25 và Điều 32 về các trường hợp sử dụng không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tại thư viện, nghiên cứu học tập, sử dụng cho người khuyết tật, đưa tin thời sự, sử dụng trong môi trường số…; quy định tại Điều 26 và Điều 33 về các trường hợp sử dụng không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao và bổ sung các trường hợp hưởng ưu đãi quyền dịch và quyền sao chép theo Công ước Berne…;

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phù hợp với Bộ luật Dân sự, pháp luật về hội và theo thông lệ quốc tế, trong đó làm rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức này; nguyên tắc công khai, minh bạch, phi lợi nhuận; quy định bên sử dụng có trách nhiệm thỏa thuận với tổ chức đại diện tập thể về tiền nhuận bút, thù lao, trường hợp không thỏa thuận được thì tổ chức hiệp thương…

4. Sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và quy định về thực thi trên môi trường số;

5. Sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan để thực hiện đăng ký trực tuyến theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Về tiến trình hoàn thiện Dự thảo, ngày 31/10/2020 sẽ đăng tải Dự thảo 1 lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Dự kiến trong năm 2021, Cục Bản quyền tác giả là cơ quan đầu mối của Bộ VHTTDL, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến; trong năm 2022 sẽ trình Quốc hội thông qua.

Quang cảnh Buổi họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sự chủ động của Cục Bản quyền tác giả trong việc xây dựng Dự thảo; nhất trí với nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan mà Cục Bản quyền tác giả xây dựng và đề nghị Cục tiếp tục rà soát, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo bám sát tiến độ trong các giai đoạn tới. Bộ trưởng cho rằng, Luật SHTT là một trong những luật lớn. Nhiệm vụ xây dựng luật là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan giao cho Cục Bản quyền tác giả chủ trì thực hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cần kế thừa giá trị thể nghiệm của Luật cũ cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời phải giải quyết được những vướng mắc, bất cập đang tồn tại trên thực tiễn; đảm bảo quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ; khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu sáng tạo, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo tinh thần Hiến pháp 2013; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, nhà sử dụng, công chúng thụ hưởng, thể hiện sự minh bạch, khả thi.

Cục Bản quyền tác giả cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế về SHTT nói chung, về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Bên cạnh đó, phải bảo đảm lợi ích quốc gia đồng thời có sự tương thích giữa quy định pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đang là thành viên và hướng tới gia nhập như Berne, TRIPS, WCT, WPPT, Marrakesh… và các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,… tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế./.

Hương Nguyên

img