Thứ Hai, 09-05-2022 01:36
img

Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022: “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”

Ngày 26/4 hằng năm đã được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định tôn vinh là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tăng cường luận bàn về vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Năm nay, WIPO đưa ra thông điệp “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ – Đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai tươi sáng” tôn vinh thế hệ trẻ đổi mới và sáng tạo, là lực lượng chính tiên phong, dẫn dầu trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo vì một tương lai tươi sáng.

Nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4, Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 585/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức chuỗi sự kiện nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Mục đích của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan bằng một phương thức thể hiện sáng tạo và thu hút giới trẻ cũng như khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Cục Bản quyền tác giả đã tập trung triển khai chuỗi các hoạt động ý nghĩa. 

Ngày 18/4/2022 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Học viện Phụ nữ Việt Nam và các bên liên quan đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới trong văn hoá đọc của sinh viên Việt Nam” dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo này là một hoạt động nhằm khơi dậy và khuyến khích sinh viên Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học trên tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và bình đẳng giới, đồng thời cũng là cơ hội để sinh viên bày tỏ quan điểm và mối quan tâm của mình đối với các lĩnh vực này.

Các chuyên gia tại Hội thảo

Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chiều 22/4 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức toạ đàm “Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng”.

Các chuyên gia tại Tọa đàm

Tọa đàm diễn ra dưới 2 hình thức trực tiếp và livetream qua fanpage Cục Bản quyền tác giả. Tọa đàm diễn ra sôi nổi với các câu hỏi của các khán, thính giả tại Tọa đàm và qua kênh livetream fanpage Cục Bản quyền tác giả. Các bạn học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều ý kiến trao đổi thú vị về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt gắn với quá trình học tập, nghiên cứu tại các trường. Kết thúc chương trình Tọa đàm là Phần Hỏi – đáp có thưởng dành cho các bạn sinh viên. Các câu hỏi xoay quanh nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.

Quang cảnh Tọa đàm

Tọa đàm là dịp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan. Các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tiếp tục lắng nghe nhu cầu của các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nguyện vọng của học sinh, sinh viên để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách hỗ trợ, tạo động lực phát triển các hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Tiếp theo đó, chiều ngày 26/4/2022, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Đoàn TNCSHCM Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng”.  Tham dự Tọa đàm có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện ban giám hiệu các trường Đại học thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; đại diện Ban chấp hành đoàn thanh niên, các đoàn viên thanh niên thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện một số văn phòng Luật sư; đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ trung gian; các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tác phẩmđại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Các Chuyên gia tại Tọa đàm

Tọa đàm là dịp cho thế hệ trẻ giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan đồng thời cũng là dịp để các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan lắng nghe nhu cầu của các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nguyện vọng của thế hệ trẻ để tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật, chính sách hỗ trợ, tạo động lực phát triển các hoạt động đổi mới, sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Quang cảnh Tọa đàm

Song song với các Hội thảo, Tọa đàm, nhằm truyền thông lan tỏa thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ 26/4, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả đã treo băng rôn, standee, poster tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Các sự kiện được truyền thông liên tục trên các kênh truyền hình và các báo lớn như Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Tổ quốc, Báo Văn hóa, Website Quyền tác giả Việt Nam…

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới và tốt hơn hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai tốt đẹp hơn một cách bền vững. Đây là cơ hội để những người trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu của họ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh. Với quyền sở hữu trí tuệ, những người trẻ tuổi được tiếp cận một số công cụ chính mà họ cần để thúc đẩy tham vọng của mình.

Lê Hương

img