Chủ Nhật, 08-01-2023 01:56
img

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

           Sáng ngày 09/10/2021, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học cấp trường: “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Diễn ra dưới hình thức trực tuyến, hội thảo nhận được sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như các giảng viên và các bạn sinh viên trong và ngoài trường.

 

(Nguồn: Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

          Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ tầm quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 trong hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào quan hệ quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thi hành, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và năm 2019, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn.

          Hội thảo lắng nghe 6 tham luận tập trung vào một số nội dung của pháp luật về sở hữu trí tuệ, bao gồm: chính sách của Nhà nước trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, vấn đề thuật ngữ tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, về xác định đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, giả định quyền tác giả, quyền liên quan, về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian,…

 

Hội thảo tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom và phát trực tiếp trên trang
Fanpage Trường Đại học Luật TP. HCM

          Phát biểu ý kiến tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc đặt những đối tượng có cơ chế bảo hộ khác nhau như quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, chỉ dẫn địa lý,… chung tại Luật Sở hữu trí tuệ dẫn đến kết cấu, hệ thống luật có những chỗ chưa được hợp lý, logic; 3 cơ quan quản lý nhà nước khác nhau về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng cũng gặp khó khăn trong thực thi.

          Một trong những mục tiêu của sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là thực thi các cam kết quốc tế, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA, trong đó có những nội dung sẽ có hiệu lực từ năm 2022, do vậy để bảo đảm tiến độ, nên nghiên cứu để tách thành các luật chuyên ngành vào thời điểm thích hợp.

          Thảo luận về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong dự thảo luật, ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nói chung và nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng phải đi theo xu hướng phát triển chung, đó là tăng cường bảo hộ, đồng thời phát triển cơ chế nhằm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền và lợi ích công cộng, cũng như ngăn chặn sự lạm dụng quyền từ các chủ thể quyền. Liên quan đến nội dung này, nhiều ý kiến đóng góp cụ thể cho các điều về giới hạn, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

          Một nội dung nữa đặt ra khi sửa đổi, bổ sung Luật lần này là bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cơ chế bảo hộ quyền chịu sự tác động lớn của những phát triền về khoa học, kỹ thuật, công nghệ khi mà các hành vi khai thác, sử dụng tác phẩm diễn ra trên môi trường số ngày càng phổ biến; tình trạng xâm phạm quyền cũng diễn biến đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát hơn. Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chuyển đối số, trong đó việc bổ sung một điều luật quy định trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) được nhận xét là một bước tiến mới, nhằm thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là EVFTA và CPTPP.

          Nhiều nội dung khác được trao đổi, thảo luận tại hội thảo như: bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, vấn đề mở rộng đối tượng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng,…

          Kết luận tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Xuân Hải gửi lời cảm ơn và đánh giá cao các tham luận, các ý kiến trao đổi, đóng góp. Qua diễn đàn này, Ban tổ chức hội thảo sẽ tập trung những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, gửi các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét và mong rằng sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

          Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, hoàn thiện. Dự án Luật sẽ là một trong 5 dự án luật đầu tiên được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/10/2021 tới đây./.

Hương Nguyên

img