Thứ Bảy, 30-12-2023 06:32
img

DẤU ẤN BẢN QUYỀN NĂM 2023

 Năm 2023 được xem là một năm gặt hái được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực của Cục Bản quyền tác giả. Cùng điểm lại những dấu ấn đặc biệt của Cục Bản quyền tác giả trong một năm qua:
  1. Tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào ngày 22/12/2023 tại trụ sở Chính phủ.
Sáng 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về “phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” năm 2023 do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng chủ trì hội nghị.
Đây là Hội nghị đầu tiên, có thể coi là “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Sau gần 10 năm khi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa được đưa vào là nhiệm vụ thứ 5 trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong Nghị quyết 33-NQ/TW (năm 2014) và gần 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016), Hội nghị này là thời điểm chúng ta kiểm điểm lại những gì đã làm được (và cả chưa làm được), từ đó vạch ra lộ trình mới cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại Hội nghị
Hội nghị đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu Chính phủ ban hành “Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, theo đó tập trung xây dựng theo hướng lựa chọn hỗ trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, xác định được phương hướng về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị là dịp để các cơ quan liên quan nhìn nhận các vấn đề và đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đặc biệt là vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực phát triển, tạo dựng cơ sở dữ liệu, công cụ đo lường tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp văn hóa, bản quyền trong phát triển công nghiệp văn hóa… cần được quan tâm hơn nữa. Cùng với đó, thông qua Hội nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tham mưu những chính sách, đề án, dự án để kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có nhiều sáng tạo, đóng góp cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa những năm vừa qua và thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra lần này sẽ đều là những giải pháp căn bản, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng, Nhà nước ta. Từ đó, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; bảo đảm phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; chú ý đến giải pháp tăng cường đóng góp vào GDP, phát triển kinh tế – xã hội của các ngành công nghiệp văn hóa…
Thủ tướng cho rằng một Hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc./
  1. Việt Nam – Trung Quốc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác về lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Bản quyền quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 12/12/2023, Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Trịnh Thị Thủy và Phó trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – người đứng đầu phụ trách Tổng cục Bản quyền quốc gia Trung Quốc Trương Kiến Xuân đại diện ký kết.
Mục tiêu của Bản ghi nhớ nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng xem các văn kiện hợp tác tại Trụ sở Trung ương Đảng (Ảnh: VnExpress)
Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Tổng cục Bản quyền quốc gia Trung Quốc ký kết là một trong số 36 văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước Việt Nam và Trung Quốc được trưng bày tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào chiều ngày 12/12/2023 trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân tại Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023.
Theo đó, nội dung chính trong Bản ghi nhớ sẽ chú trọng trao đổi thông tin nhằm bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; hợp tác đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đăng ký và khai thác sử dụng các tác phẩm; trao đổi kinh nghiệm về chính sách pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và tạo điều kiện để các tổ chức quản lý tập thể của hai nước có cơ hội trao đổi và hợp tác. Từ đó có thể thông qua việc thiết lập mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa giữa hai quốc gia.
  1. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan ban hành ngày 26/4/2023 và có hiệu lực kể từ ngày ký:
Ngày 16 tháng 6 năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua (với tỷ lệ 95,58% biểu quyết tán thành) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, Cục Bản quyền tác giả đã nhanh chóng, quyết liệt tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc
Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ra đời nhằm hướng dẫn chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Với 116 điều – gấp đôi so với nghị định cũ, Nghị định hướng dẫn bao trùm toàn diện quá trình xác lập, bảo hộ, khai thác và xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể gồm năm nhóm nội dung cơ bản: (1) quy định quyền của các tác giả, đồng tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan; (2) giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; (3) hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; (4) hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; (5) hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung bao trùm toàn bộ quá trình xác lập, bảo hộ, khai thác và xử lý xâm phạm, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP mới ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Có được kết quả này là nhờ hành trình nỗ lực, bền bỉ của các cơ quan quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
       4. Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày ban hành ngày 02/6/2023 quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực từ ngày 15/7/2023
Trong những năm gần đây, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang được xã hội rất quan tâm và chú trọng, nhất là trong thời điểm Việt Nam thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn. Do đó, việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được xã hội quan tâm và hưởng ứng.
Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023; Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả đã trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Dự thảo thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Ngày 02/06/2023, Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/7/2023 với nội dung cơ bản là đưa ra các mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo các loại hình tác phẩm đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho việc kê khai thông tin đăng ký rõ ràng hơn và dễ hiểu hơn. Theo đó, có 09 mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan (08 mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả theo các loại hình tác phẩm quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ và 01 mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan); có 02 mẫu giấy chứng nhận: giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày ban hành ngày 02/6/2023 quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan khu vực phía Bắc
Việc ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL góp phần đảm bảo được tính chân thực và rõ ràng cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi tiến hành hoàn thành thủ tục ghi nhận quyền đối với “đứa con tinh thần” của mình. Từ đó, giúp cho cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan xác định được dễ dàng hơn các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan khi có tranh chấp xảy ra.
        5. Hiệp ước Marrakesh chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam
Theo cam kết tại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), Việt Nam có nghĩa vụ gia nhập Hiệp ước Marrakesh trong thời hạn 5 năm kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực (kể từ ngày 01/01/2022). Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, Cục Bản quyền tác giả đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xin gia nhập Hiệp ước Marrakesh.
Ngày 07/12/2022, Việt Nam gia nhập và là thành viên của Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh).
Từ ngày 06/3/2023, Hiệp ước Marrakesh chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Hiệp ước Marrakesh là sự bổ sung mới nhất vào các điều ước quốc tế về bản quyền do WIPO quản lý, quy định các giới hạn và ngoại lệ vì lợi ích của người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường. Hiệp ước Marrakesh được ký kết tại Marrakesh, Maroc ngày 27/6/2013. Hiệp ước có hiệu lực sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn vào ngày 30/9/2016 và tới nay đã có 92 quốc gia thành viên.
Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang và Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (ảnh WIPO cung cấp)
Hiệp ước Marrakesh gồm 22 điều. Các nội dung chính của Hiệp ước được thể hiện thông qua các điều khoản quy định giới hạn và ngoại lệ cho phép: tạo các bản sao dễ tiếp cận; phân phối các bản sao dễ tiếp cận; truyền đạt tác phẩm dưới dạng các bản sao dễ tiếp cận tới công chúng ở trong nước; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận (bao gồm tải kỹ thuật số); ngoại lệ liên quan đến các biện pháp công nghệ mà không cần phải xin phép chủ thể quyền. Việc áp dụng các ngoại lệ này sẽ tạo điều kiện cho việc có nhiều hơn các bản sao dễ tiếp cận, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm sách có thể tiếp cận được bởi người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in, giúp họ có thêm nhiều cơ hội và khả năng được tiếp cận các tác phẩm đã công bố, qua đó có thể phát triển tốt hơn kiến thức, trình độ, năng lực của bản thân, tiếp cận tốt hơn trong các hoạt động giáo dục, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn sau hơn 20 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (Điều 25a), đảm bảo cho việc gia nhập và thực thi Hiệp ước Marrakesh.
Việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam ở cả khía cạnh thực hiện các cam kết đối với quốc tế (nhân quyền, bản quyền, sở hữu trí tuệ) cũng như mang lại cho cộng đồng những người khuyết tật ở Việt Nam nhiều cơ hội hơn trong việc mở rộng cơ hội học tập, giáo dục và giải trí.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và người thị lực kém, chiếm 13,84% người khuyết tật. Dù vậy, hiện các ấn phẩm, tài liệu mà người khuyết tật nhìn có thể tiếp cận còn ít, chỉ có khoảng 12.000 người khuyết tật nhìn sử dụng dịch vụ thư viện, chiếm 0,6%. Tình trạng thiếu sách đang là rào cản với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị – nhóm yếu thế, trong việc tiếp cận về giáo dục, việc làm và phát triển bản thân. Do đó, việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh sẽ góp phần tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như audio, chữ nổi, văn bản điện tử…. Đồng thời, quy định ngoại lệ cho phép phân phối định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật nhìn kể cả truyền dẫn kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp người khuyết tật nhìn thuận lợi hơn trong tiếp cận các tác phẩm, tạo sự bình đẳng và hòa nhập cộng đồng. Từ đó giúp họ tăng khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng và nâng cao cơ hội giáo dục, việc làm.
Hiệp ước Marrakesh đã mở ra cánh cửa hy vọng cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận với các tác phẩm đã công bố, cho phép họ tham gia và tiếp cận với vô vàn tri thức và cơ hội mới mà văn hóa đọc mang lại.
      6. Tổ chức thành công chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 trên toàn quốc
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật của Nhân dân và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, Cục Bản quyền tác giả luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm góp phần nâng cao nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan đến cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của cán bộ và nhân dân. Từ đó góp phần đẩy mạnh trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nói chung, pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng trong cán bộ và nhân dân ngày càng được nâng cao.
Lễ Khai mạc Chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4,
ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 trên toàn quốc
 Năm 2023 có thể nói là năm “bùng nổ” truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa. Trong năm vừa qua, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức 20 sự kiện, hoạt động về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên toàn quốc cho hơn 3000 lượt người tham dự, dưới nhiều hình thức phong phú.
Ngay sau khi hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách về pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ban hành, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực, Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 02/06/2023 về việc quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ra đời); Cục Bản quyền tác giả đã quyết liệt, tích cực vào công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thể chế hóa pháp luật bản quyền, đi sâu vào cuộc sống của nhân dân nhẳm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho nhiều đối tượng.
Cục luôn kết hợp các hoạt động, sự kiện và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, như hội thảo, tọa đàm, hội nghị, tập huấn chuyên đề và đặc biệt năm 2023, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ 26/4, ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 trên toàn quốc. Chuỗi sự kiện được tổ chức trên toàn quốc và tập trung vào 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh dưới các hình thức hoạt động khác nhau với sự tham gia đông đảo của các bạn học sinh sinh viên các trường tại 3 thành phố lớn. Tại Hà Nội, Lễ Khai mạc Chuỗi sự kiện nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 và Gameshow Bản quyền và Sáng tạo 2023 đã thu hút hơn 400 sinh viên các trường đại học lớn tại Hà Nội. Tại Đà Nẵng, Tọa đàm Bảo vệ bản quyền trên môi trường số thu hút hơn 200 sinh viên các trường Đại học lớn tại Đà Nẵng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, một chuỗi các hoạt động, sự kiện theo đúng chủ đề của ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: tọa đàm, trưng bày, triển lãm, đi bộ tuần hành và Hội thảo đã thu hút hơn 700 lượt người tham gia.
Chuỗi các sự kiện có sức ảnh hưởng lớn, tạo các không gian giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan đồng thời cũng là dịp để các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan lắng nghe nhu cầu của các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nguyện vọng của thế hệ trẻ để tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật, chính sách hỗ trợ, tạo động lực phát triển các hoạt động đổi mới, sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Lê Hương
img