Chủ Nhật, 08-01-2023 01:33
img

Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam

Sáng 25/4, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị giao ban với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I/2022.

Chủ trì Hội nghị có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; ông Vương Duy Biên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương); đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ VH,TT&DL.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt báo cáo công tác của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý I/2022

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt cho biết: trong quý I/2022, nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới về văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những quyết sách của Đảng; kiên trì, tâm huyết với công việc sáng tạo, gắn bó với các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng, khẳng định các giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống văn học nghệ thuật được duy trì phong phú, đa dạng; truyền hình, không gian mạng được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, vừa tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn văn học, nghệ thuật, khích lệ, cổ vũ tinh thần nhân dân, tạo không khí lạc quan, lan tỏa các thông điệp tích cực.

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ tại Hội nghị về “Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời là một trong những điều kiện để hội nhập vào hệ thống kinh tế, thương mại quốc tế. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã cho phép và khuyến khích nhiều tác phẩm được hoàn thiện hơn dưới dạng các sản phẩm kỹ thuật số. Những công nghệ này đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc và tính kinh tế của các mô hình kinh doanh, tạo nên làn sóng trong thế giới kỹ thuật số để phân phối tác phẩm thông qua mạng internet đến người nghe, người xem. Một thị trường ảo dành cho các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh và giải trí hiện đang tồn tại trên không gian mạng, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại là tài sản trí tuệ. Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương có hoạt động đạt kết quả khích lệ, từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang chủ động trong hội nhập quốc tế, tham gia 7 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trên phạm vi quốc tế, thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục… Từ đó, khuyến khích các cá nhân, các công ty sáng tạo và phổ biến tác phẩm, đặc biệt là trên môi trường kỹ thuật số; làm phong phú khả năng phục vụ đời sống tinh thần của công chúng; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới thiệu văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật Việt Nam ra nước ngoài và tinh hoa văn hóa nhân loại tại Việt Nam trong môi trường kỹ thuật số.

Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; thậm chí, những người sáng tạo xâm phạm bản quyền của nhau. Bên cạnh đó, một số tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vẫn chưa nắm vững các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe.

Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh để thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trong môi trường kỹ thuật số và hội nhập quốc tế, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập.

Các Hội, Hiệp hội phát huy tích cực và thực hiện có hiệu quả vai trò phản biện xã hội trong xây dựng chính sách pháp luật về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của tổ chức Hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông đề nghị nghiêm túc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2022 của Liên hiệp các Hội VHNT và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Một số vấn đề cần lưu ý là:  Thứ nhất, để có sự liên kết chặt chẽ hơn, đề nghị các Hội gửi các thông tin, dữ liệu về các hoạt động hội thảo, hoạt động trại sáng tác… về Bộ VHTTDL. Thứ hai, về việc tổ chức trại sáng tác, đề nghị các Hội chuyên ngành đặc biệt lưu ý, thành phần tham gia cần có sự lựa chọn kỹ càng và cần nâng cao chất lượng trại sáng tác. Thứ ba, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đề nghị các Hội tiếp tục triển khai cho các hội viên. Thứ tư, đẩy mạnh công tác phê bình, lý luận văn học nghệ thuật. Thứ năm, đề nghị các Hội giúp các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tham mưu, đề xuất nhằm tháo gỡ cơ chế, chính sách về lĩnh vực chuyên ngành do Hội phụ trách. Thứ sáu, về vấn đề giải thưởng và các danh hiệu, đề nghị các Hội cần lưu ý đến việc đánh giá chất lượng của từng giải, đề xuất tên gọi, xếp loại, phương thức trao giải… sao cho đồng nhất./.

Hương Nguyên

img