Thứ Bảy, 21-12-2024 05:06
img

Đề dẫn Hội nghị – Hội thảo Tuyên truyền, phổ biến về các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác, sử dụng

Bà Phạm Thị Kim Oanh

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả

      

Thương mại điện tử là một lĩnh vực đang bùng nổ trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho việc kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế mới. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức giao thương và tương tác kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo không ít thách thức, đặc biệt là đối với quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bản quyền là một trong những lĩnh vực được quan tâm rất nhiều.

Trong môi trường thương mại điện tử, việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối mà không có sự kiểm soát đầy đủ. Những hành vi xâm phạm bản quyền, như việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo.

Ngoài ra, một vấn đề không thể bỏ qua là các nền tảng thương mại điện tử, vốn đóng vai trò trung gian trong các giao dịch, cũng phải đối mặt với yêu cầu bảo vệ bản quyền. Các nền tảng này cần có trách nhiệm trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, với các chủ thể quyền để xử lý các vi phạm bản quyền, tạo ra một môi trường trực tuyến minh bạch và công bằng.

Bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử đòi hỏi một sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố pháp lý, công nghệ và trách nhiệm của các bên liên quan. Các công cụ pháp lý hiện tại đã cung cấp một số giải pháp quan trọng, nhưng trong bối cảnh ngày càng có nhiều vi phạm và hành vi xâm phạm bản quyền ngày cành tinh vi hơn, chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Trong thời gian qua, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử. Một trong những bước tiến quan trọng là việc áp dụng các điều khoản trong các hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 02 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó phải kể đến 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về bản quyền trên internet, đó là việc tham gia WCT năm 2021 và WPPT năm 2022; đó là CPTPP, EVFTA, RCEP… Các thỏa thuận này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà sáng tạo mà còn tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để xử lý các vi phạm.

Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đồng thời cũng đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.

Khi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, họ không chỉ phải đối mặt với các quy định pháp luật của quốc gia mình mà còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế.

Các quốc gia cần đảm bảo rằng luật pháp của mình tương thích với các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan và xử lý các vi phạm xuyên biên giới cũng là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả và nhà sáng tạo.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử, đặc biệt là khi đối diện với những vi phạm không giới hạn về địa lý và thời gian. Những hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như việc xử lý các vi phạm trên không gian mạng, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các nền tảng trực tuyến.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ, và sự hợp tác quốc tế. Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm. Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện. Việc xây dựng các chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả.

Tại Hội nghị – Hội thảo các quý vị đại biểu tham dự tiếp nhận đầy đủ những nội dung cơ bản, như tổng quan pháp luật Việt Nam, các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; tổng quan về sàn thương mại điện tử và hàng hóa bản quyền; khai thác, sử dụng nội dung số và áp dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số; xử lý hàng hóa xâm phạm bản quyền trên các sàn thương mại điện tử và cơ chế phối hợp và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số.

Bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử và hội nhập quốc tế không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và thương mại điện tử. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức và các quốc gia trên toàn thế giới.

Hội nghị  – Hội thảo không chỉ là cơ hội để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và bài học quý giá mà còn là cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp thiết thực xây dựng một môi trường trực tuyến minh bạch, công bằng và phát triển bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và thực thi bản quyền trong môi trường thương mại điện tử. Đặc biệt, khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề bản quyền trong môi trường số càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi nó ảnh hưởng không chỉ đến quyền lợi của các tác giả, các chủ sở hữu quyền, các doanh nghiệp mà còn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo và thương mại điện tử.

Các chuyên gia trao đổi tại phần Tọa dàm

img