Chủ Nhật, 08-01-2023 01:03
img

Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn

AVP/DC/20

 BẢN GỐC: TIẾNG ANH

 NGÀY: 24 THÁNG 6 NĂM 2012

BẢN DỊCH KHÔNG CHÍNH THỨC

 

 

Hội nghị Ngoại giao về Bảo hộ cuộc Biểu diễn nghe nhìn 

Bắc Kinh, ngày 20 đến 26 tháng 6 năm 2012

 

Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn 

Được Hội nghị ngoại giao thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2012

 

 

MỤC LỤC

Mở đầu

Điều 1:             Quan hệ với các hiệp ước và công ước khác

Điều 2:              Định nghĩa

Điều 3:              Đối tượng được bảo hộ

Điều 4:              Đối xử quốc gia

Điều 5:             Các quyền tinh thần

Điều 6:            Các quyền kinh tế của người biểu diễn tại các cuộc biểu diễn chưa định hình

Điều 7:             Quyền sao chép

Điều 8:             Quyền phân phối

Điều 9:             Quyền cho thuê

Điều 10:           Quyền phổ biến cuộc biểu diễn đã được định hình

Điều 11:           Quyền phát sóng và truyền đạt tới công chúng

Điều 12:           Chuyển nhượng quyền

Điều 13:           Giới hạn và ngoại lệ

Điều 14:           Thời hạǹ bảo hộ

Điều 15:           Nghĩa vụ liên quan tới các biện pháp kỹ thuật

Điều 16:           Nghĩa vụ liên quan tới thông tin quản lý quyền

Điều 17:           Các thủ tục hình thức

Điều 18:           Bảo lưu và thông báo

Điều 19:           Áp dụng vào thời điểm bắt đầu có hiệu lực

Điều 20:           Các quy định về thực thi quyền

Điều 21:           Hội đồng

Điều 22:           Văn phòng Quốc tế

Điều 23:           Điều kiện để trở thành một bên tham gia Hiệp ước

Điều 24:           Quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước

Điều 25:           Ký kết hiệp ước

Điều 26:           Hiệu lực của Hiệp ước

Điều 27:           Ngày hiệu lực của việc trở thành thành viên của Hiệp ước

Điều 28:           Rút khỏi Hiệp ước

Điều 29:           Ngôn ngữ của Hiệp ước

Điều 30:           Lưu giữ

 

Mở đầu

Các Bên tham gia

Với mong muốn phát triển và duy trì sự bảo hộ đối với các quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn nghe nhìn của họ một cách đồng bộ và hiệu quả nhất,

Nhắc lại tầm quan trọng của các khuyến nghị tại Chương trình nghị sự phát triển được Đại hội đồng của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thông qua năm 2007, theo đó nhằm đảm bảo rằng việc xem xét phát triển là một phần không tách rời công việc của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới,

Nhận thấy cần phải đưa ra những quy định quốc tế mới, nhằm có các giải pháp đầy đủ với các vấn đề nảy sinh từ sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và công nghệ,

Nhận thấy những tác động sâu sắc của sự phát triển và thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông đối với việc sản xuất và sử dụng các cuộc biểu diễn nghe nhìn,

Nhận thấy cần phải duy trì một sự cân bằng giữa các quyền của người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn nghe nhìn và lợi ích của công chúng rộng lớn hơn, đặc biệt là về giáo dục, nghiên cứu và tiếp cận thông tin,

Nhận thấy Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) làm tại Geneva, ngày 20 tháng 12 năm 1996 không nâng phạm vi bảo hộ cho những người biểu diễn đối với các cuộc biểu diễn của họ, gắn với các thiết bị nghe nhìn.

Chiểu theo Nghị quyết liên quan tới các cuộc biểu diễn nghe nhìn được Hội nghị Ngoại giao về Các vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan thông qua ngày 20 tháng 12 năm 1996,

Đã nhất trí như sau:

 

Điều 1

Quan hệ với các Hiệp ước và Công ước khác

(1)     Hiệp ước này sẽ không làm giảm các nghĩa vụ mà các Bên tham gia đã có đối với các Bên khác theo WPPT hay Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng ngày 26 tháng 10 năm 1961.

(2)    Sự bảo hộ có được theo Hiệp ước này sẽ không bị ảnh hưởng và sẽ không ảnh hưởng tới sự bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Theo đó, Hiệp ước này không có điều nào được hiểu là làm tổn hại tới những sự bảo hộ này.

(3)    Hiệp ước này sẽ không có bất kỳ mối liên quan nào tới các hiệp ước khác ngoài WPPT, hoặc không làm ảnh hưởng tới bất kỳ quyền nào và nghĩa vụ nào theo bất kỳ các hiệp ước nào khác[1],[2].

Điều 2

Định nghĩa

Để phục vụ mục đích của Hiệp ước này:

(a)     “Người biểu diễn” là các diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và những người khác diễn xuất, hát, đọc, ngâm, đóng vai, thể hiện hay thực hiện các hành động biểu diễn khác đối với các tác phẩm văn học hay nghệ thuật hoặc các thể hiện văn học dân gian[3];

(b)     “Định hình âm thanh, hình ảnh” là sự biểu hiện các hình ảnh chuyển động, cho dù có hay không có âm thanh đi kèm, hoặc bằng cách thể hiện những hình ảnh đó sao cho chúng được hiểu, được tái hiện lại hay truyền đạt qua một thiết bi[4]̣;

(c)    “Phát sóng” là việc truyền sóng bằng phương tiện vô tuyến cho công chúng tiếp nhận các âm thanh hay hình ảnh hay cả hình ảnh và âm thanh hay sự trình bày âm thanh; việc truyền như vậy bằng vệ tinh cũng là "phát sóng"; việc truyền các tín hiệu được mã hóa là "phát sóng" khi phương tiện giải mã được cung cấp cho công chúng bởi tổ chức phát sóng hoặc với sự đồng ý của tổ chức phát sóng;

(d)     “Truyền đạt tới công chúng” cuộc biểu diễn là truyền đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện nào, ngoài phát sóng, cuộc biểu diễn chưa được định hình, hoặc một cuộc biểu diễn đã được định hình trong một phương tiện định hình nghe nhìn. Trong Điều 11, "truyền đạt tới công chúng" bao gồm định hình một cuộc biểu diễn vào một phương tiện định hình nghe nhìn mà công chúng có thể nghe hay nhìn hoặc cả nghe và nhìn thấy.

Điều 3

Đối tượng được bảo hộ

(1)     Các Bên tham gia đồng ý bảo hộ theo Hiệp ước này cho người biểu diễn là công dân mang quốc tịch của các Bên tham gia khác.

(2)     Người biểu diễn không phải là công dân mang quốc tịch một trong các Bên tham gia nhưng có nơi thường trú tại một trong số các Bên tham gia, sẽ được xem như là công dân của Bên tham gia đó theo Hiệp ước này.

Điều 4

Đối xử quốc gia

(1)     Mỗi Bên tham gia sẽ đồng ý trao cho công dân của các Bên tham gia khác sự đối xử mà Bên đó dành cho chính công dân của quốc gia mình đối với các quyền độc quyền được quy định một cách cụ thể trong Hiệp ước này và quyền hưởng thù lao công bằng được quy định tại Điều 11 của Hiệp ước này.

(2)     Một Bên tham gia sẽ có quyền giới hạn phạm vi và thời hạn bảo hộ được trao cho các công dân của một Bên tham gia khác theo Khoản (1), liên quan tới các quyền được trao theo Điều 11(1) và 11(2) của Hiệp ước này, tới mức độ của các quyền mà các công dân của chính quốc gia họ được hưởng tại Bên tham gia khác đó.

(3)     Nghĩa vụ được quy định tại Khoản (1) không áp dụng cho một Bên tham gia mà Bên tham gia đó sử dụng các quyền bảo lưu được phép ở Điều 11(3) của Hiệp ước này, hoặc không áp dụng cho một Bên ở mức đã thực hiện các quyền bảo lưu này.

Điều 5

Các quyền tinh thần

(1)     Không liên quan tới quyền kinh tế của người biểu diễn, và thậm chí sau khi đã chuyển nhượng các quyền này rồi thì đối với các cuộc biểu diễn trực tiếp hay biểu diễn được ghi lại trong các thiết bị định hình nghe nhìn, người biểu diễn vẫn có quyền

(I)     Yêu cầu được nêu rõ danh tính là người biểu diễn của cuộc biểu diễn của mình, ngoại trừ việc bỏ qua là điều bắt buộc trong cách sử dụng cuộc biểu diễn; và

(ii)     Phản đối việc cắt xén, sửa đổi cuộc biểu diễn của mình khiến tên tuổi của mình bị ảnh hưởng khi xem xét đầy đủ bản chất của các thiết bị định hình nghe nhìn.

(2)     Các quyền được trao cho người biểu diễn theo Khoản (1), sau khi người đó chết, sẽ vẫn được duy trì, ít nhất cho tới khi hết hạn các quyền kinh tế, và sẽ được thực thi bởi cá nhân hoặc tổ chức được phép theo luật pháp của Bên tham gia nơi có yêu cầu sự bảo hộ. Tuy nhiên, những Bên tham gia mà luật pháp tại thời điểm phê duyệt hay gia nhập Hiệp ước này không quy định bảo hộ sau khi chết đối với các quyền của người biểu diễn như quy định tại Khoản trên thì có quyền quy định rằng một số quyền này, sau khi người biểu diễn chết, sẽ ngừng được duy trì.

(3)     Phương pháp điều chỉnh để bảo hộ các quyền được trao theo Điều này sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp quốc gia của Bên tham gia nơi có yêu cầu sự bảo hộ.[5]

Điều 6

Các quyền kinh tế của người biểu diễn tại các cuộc biểu diễn chưa định hình

Những người biểu diễn được hưởng độc quyền cho phép đối với các cuộc biểu diễn của mình:

       (i)    Phát sóng và truyền đạt tới công chúng các cuộc biểu diễn chưa định hình của họ, ngoại trừ trường hợp cuộc biểu diễn đã là một chương trình phát sóng; và

        (ii)   Định hình các cuộc biểu diễn chưa định hình của mình.

Điều 7

Quyền sao chép

Người biểu diễn được độc quyền cho phép sao chép trực tiếp hay gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong các bảṇ định hình nghe nhìn, dưới bất kỳ cách thức và hình thức nào.[6]

Điều 8

Quyền phân phối

(1)     Người biểu diễn có độc quyền cho phép cung cấp cho công chúng bản gốc và các bản sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong các bảṇ định hình nghe nhìn thông qua việc bán hay hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu khác.

(2)     Hiệp ước này sẽ không ảnh hưởng tới quyền tự do của các Bên tham gia trong việc quyết định các điều kiện, nếu có, mà theo đó việc chấm dứt các quyền ở Khoản (1) được áp dụng sau khi bán lần đầu hay chuyển nhượng quyền sở hữu bản gốc hay bản sao cuộc biểu diễn được định hình với sự cho phép của người biểu diễn.[7]

Điều 9

Quyền cho thuê

(1)     Người biểu diễn có độc quyền cho phép cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc và các bản sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong các bảṇ định hình nghe nhìn theo quy định của luật pháp quốc gia của các Bên tham gia, thậm chí sau khi phân phối chúng bởi hay theo sự cho phép của người biểu diễn.

(2)     Các bên giam gia không phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Khoản (1), trừ khi việc cho thuê thương mại dẫn tới sự sao chép tràn lan các bản định hình này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền sao chép của người biểu diễn.[8]

Điều 10

Quyền phổ biến cuộc biểu diễn đã được định hình

Người biểu diễn có độc quyền cho phép phổ biến tới công chúng cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong các bảṇ định hình nghe nhìn bằng phương tiện hữu tuyển và vô tuyến, theo cách thức mà các thành viên của công chúng có thể tiếp cận chúng từ một địa điểm và vào một thời điểm do cá nhân họ lựa chọn.

Điều 11

Quyền phát sóng và truyền đạt tới công chúng

(1)    Người biểu diễn có độc quyền cho phép phát sóng và truyền đạt tới công chúng các cuộc biểu diễn của mình được định hình trong các bản định hình nghe nhìn.

(2)   Các Bên tham gia có quyền tuyên bố trong một thông báo được gửi tới Tổng giám đốc WIPO rằng, thay vì quyền cho phép được quy định tại Khoản (1), họ lập ra một quyền nhận thù lao tương xứng cho việc sử dụng trực tiếp hay gián tiếp các cuộc biểu diễn đã được định hình trong các bảṇ định hình nghe nhìn để phát sóng hay truyền đạt tới công chúng. Các Bên tham gia cũng có quyền tuyên bố rằng họ đặt ra các điều kiện trong luật pháp của họ để thực hiện quyền được hưởng thù lao tương xứng.

(3)    Bất kỳ Bên tham gia nào cũng có quyền tuyên bố rằng mình sẽ áp dụng các điều khoản của Khoản (1) hay (2) trong một số trường hợp nhất định, hoặc sẽ giới hạn phạm vi áp dụng ở một số cách khác, hoặc sẽ không áp dụng các quy định ở Khoản (1) và (2).

Điều 12

Chuyển nhượng quyền

(1)   Một Bên tham gia có quyền quy định trong luật pháp của nước mình rằng một khi một người biểu diễn đã đồng ý định hình cuộc biểu diễn của mình trong một bảṇ định hình nghe nhìn rồi thì quyền cho phép được quy định tại Điều từ 7 tới 11 của Hiệp ước này sẽ được sở hữu hay thực hiện bởi, hoặc chuyển nhượng cho nhà sản xuất bảṇ định hình nghe nhìn đó theo hợp đồng giữa người biểu diễn và nhà sản xuất bản định hình nghe nhìn theo quy định của luật pháp quốc gia.

(2)   Mỗi Bên tham gia có quyền yêu cầu rằng đối với các bản định hình nghe nhìn được sản xuất theo luật pháp quốc gia, sự cho phép hay hợp đồng phải được lập thành văn bản và có chữ ký của cả hai bên tham gia hợp đồng hay bởi người đại diện được ủy quyền hợp lệ của họ.

(3)   Không lệ thuộc vào việc chuyển nhượng các quyền riêng biệt được mô tả ở trên, luật pháp quốc gia hay các hợp đồng cá nhân, tập thể hay các thỏa thuận khác có thể quy định người biểu diễn có quyền nhận được nhuận bút hay thù lao tương xứng cho việc sử dụng các cuộc biểu diễn, theo như quy định của Hiệp ước này, bao gồm quy định tại các Điều 10 và 11.

Điều 13

Giới hạn và ngoại lệ

(1)    Các Bên tham gia có thể quy định trong luật pháp quốc gia mình những loại hạn chế hay ngoại lệ tương tự về bảo hộ người biểu diễn như là họ quy định trong luật pháp quốc gia mình liên quan tới bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật.

(2)    Các Bên tham gia sẽ giới hạn những quy định hạn chế hay ngoại lệ đối với các quyền được quy định trong Hiệp ước này ở những trường hợp đặc biệt nhất định không xung đột với việc khai thác bình thường các cuộc biểu diễn và không làm tổn hại vô lý tới các lợi ích hợp pháp của người biểu diễn.[9]

Điều 14

Thời hạǹ bảo hộ

Thời hạn bảo hộ được trao cho người biểu diễn theo Hiệp ước này sẽ kéo dài tối thiểu tới khi kết thúc thời hạn 50 năm, tính từ khi kết thúc năm mà cuộc biểu diễn được định hình.

Điều 15

Nghĩa vụ liên quan tới các biện pháp kỹ thuật

Các Bên tham gia sẽ quy định mức độ bảo hộ về pháp luật tương xứng và các biện pháp pháp lý hiệu quả chống lại sự phá vỡ các biện pháp kỹ thuật hữu hiệu được người biểu diễn sử dụng liên quan tới việc thực hiện các quyền của mình theo Hiệp ước này và ngăn chặn các hành vi, liên quan tới các cuộc biểu diễn, không được sự cho phép của người biểu diễn hoặc không được sự cho phép của pháp luật.[10],[11]

Điều 16

Nghĩa vụ liên quan tới thông tin quản lý quyền

(1)     Các Bên tham gia sẽ quy định các các biện pháp pháp lý tưong xứng và hiệu quả chống lại những người cố tình có các hành vi sau đây khi đã biết, hoặc với các biện pháp dân sự khi có cơ sở hợp lý để biết rằng nó sẽ dẫn tới, cho phép, tạo điều kiện hay che dấu một sự vi phạm các quyền được quy định bởi Hiệp ước này:

         (I)     Dỡ bỏ hay thay đổi bất kỳ thông tin quản lý quyền điện tử nào mà không được phép;

          (ii)   Phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hay cung cấp trái phép cho công chúng cuộc biểu diễn hay các bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình trong các bản định hình nghe nhìn khi đã biết rằng các thông tin quản lý quyền điện tử đã bị dỡ bỏ hay sửa đổi một cách trái phép.

(2)     Trong Điều này, "thông tin quản lý quyền" nghĩa là thông tin xác định danh tính người biểu diễn, cuộc biểu diễn của người biểu diễn, hay chủ sở hữu bất kỳ quyền nào đối với cuộc biểu diễn, hoặc thông tin về điều khoản và điều kiện sử dụng cuộc biểu diễn, và bất kỳ số hay mật mã ký hiệu thể hiện những thông tin này, khi các thông tin này được gắn với cuộc biểu diễn đã được định hình trong một bảṇ định hình nghe nhìn.[12]

Điều 17

Các thủ tục hình thức

Việc được hưởng và thực hiện các quyền được quy định trong Hiệp ước này sẽ không phải tuân thủ bất kỳ thủ tục nào.

Điều 18

Bảo lưu và thông báo

(1)    Theo quy định tại Điều 11(3), không có bất cứ điều kiện hạn chế nào đối với Hiệp ước này.

(2)    Bất kỳ thông báo nào theo Điều 11(2) hay 19(2) đều có quyền được đưa vào trong các văn kiện phê chuẩn hay gia nhập, và ngày hiệu lực của thông báo này sẽ cùng với ngày hiệu lực của Hiệp ước này liên quan tới Bên đưa ra thông báo. Bất kỳ thông báo nào như vậy cũng có quyền được đưa ra sau, trong trường hợp này, thông báo đó sẽ có hiệu lực ba tháng sau khi Tổng giám đốc WIPO nhận được thông báó, hay một ngày nào đó muộn hơn được nêu ra trong thông báo.

Điều 19

Áp dụng vào thời điểm bắt đầu có hiệu lực

(1)     Các Bên tham gia sẽ chấp thuận sự bảo hộ được trao theo Hiệp ước này đối với các cuôc biểu diễn được định hình tồn tại ở thời điểm Hiệp ước có hiệu lực và tất cả các cuộc biểu diễn xuất hiện sau khi Hiệp ước này đã có hiệu lực đối với mỗi Bên tham gia.

(2)     Bất kể những quy định tại Khoản (1), một Bên tham gia có quyền tuyên bố trong thông báo gửi cho Tổng giám đốc WIPO rằng mình sẽ không áp dụng các quy định tại các Điều từ 7 đến 11 của Hiệp ước này, hay một hoặc vài quy định trong các điều này đối với các cuộc biểu diễn đã được định hình tồn tại tại thời điểm có hiệu lực của Hiệp ước đối với mỗi Bên tham gia. Liên quan tới Bên tham gia này, các Bên tham gia khác có quyền giới hạn áp dụng các Điều nói trên đối với các cuộc biểu diễn xuất hiện sau thời điểm có hiệu lực của Hiệp ước đối với Bên tham gia đó.

(3)     Sự bảo hộ được quy định trong Hiệp ước này sẽ không làm ảnh hưởng tới bất kỳ hành vi nào đã được thực hiện, thỏa thuận nào đã được ký kết hay các quyền có được trước khi Hiệp ước này có hiệu lực đối với mỗi Bên tham gia.

(4)     Các Bên tham gia có quyền quy định trong luật của mình các điều khoản chuyển tiếp, theo đó bất kỳ người nào mà, trước khi Hiệp ước có hiệu lực, đã tham gia trong các hành vi hợp pháp đối với một cuộc biểu diễn, có thể thực hiện các hành vi đối với cuộc biểu diễn đó trong phạm vi các quyền đã quy định ở Điều 5 và 7 tới 11 sau khi Hiệp ước này có hiệu lực đối với các Bên tham gia tương ứng.

Điều 20

Các quy định về thực thi quyền

(1)    Các Bên tham gia cam kết ban hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc áp dụng Hiệp ước này phù hợp với hệ thống luật pháp quốc gia mình.

(2)    Các Bên tham gia đảm bảo rằng các thủ tục thực thi được quy định trong luật pháp quốc gia mình cho phép thực hiện hiệu quả chống lại các hành vi vi phạm các quyền được quy định trong Hiệp ước này, bao gồm các biện pháp nhanh chóng để ngăn chặn vi phạm và các biện pháp tạo thành một sự ngăn ngừa các vi phạm tiếp theo.

Điều 21

Hội đồng

(1)        (a)   Các Bên tham gia sẽ phải có một hội đồng.

            (b)   Mỗi bên tham gia phải được đại diện trong Hội đồng bởi một đại biểu có thể có các đại biểu thay thế, cố vấn và chuyển gia hỗ trợ.

           (c)   Chi phí của mỗi phái đoàn sẽ do Bên tham gia chỉ định phái đoàn gánh chịu. Hội đồng có thể yêu cầu WIPO hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện tham gia của phái đoàn của Bên tham gia khi được coi là các quốc gia đang phát triển theo thực tiễn của Đại hội đồng Liên hợp quốc hay là các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổị sang nền kinh tế thị trường.

(2)        (a)   Hội đồng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan tới duy trì và phát triển Hiệp ước này và việc áp dụng, thực hiện Hiệp ước này.

           (b)   Hội đồng sẽ thực hiện chức năng được trao theo Điều 23(2) liên quan tới việc gia nhập của các tổ chức liên chính phủ trở thành thành viên của Hiệp ước này.

           (c)   Hội đồng sẽ quyết định việc triệu tập hội nghị ngoại giao để sửa đổi, bổ sung Hiệp ước này và đưa ra hướng dẫn cần thiết cho Tổng giám đốc WIPO để chuẩn bị hội nghị ngoại giao này.

(3)     (a)    Mỗi Bên tham gia với tư cách một quốc gia sẽ có một phiếu biểu quyết và chỉ được biểu quyết bằng danh nghĩa của chính mình.

        (b)    Bất kỳ Bên tham gia nào là một tổ chức liên chính phủ đều có quyền tham gia bỏ phiếu, thay mặt cho các quốc gia thành viên với một số phiếu bằng với số quốc gia thành viên của tổ chức mình tham gia Hiệp ước. Các tổ chức liên chính phủ này sẽ không được tham gia bỏ phiếu nếu bất kỳ một quốc gia thành viên của mình thực hiện quyền bỏ phiếu của mình và ngược lại.

(4)     Hội đồng sẽ họp khi được triệu tập bởi Tổng giám đốc và, nếu không có tình huống đặc biệt, sẽ vào cùng thời gian và địa điểm của phiên họp Đại hội đồng WIPO.

(5)     Hội đồng sẽ cố gắng thực hiện các quyết định của mình bằng đồng thuận và xây dựng các quy chế riêng về các thủ tục, bao gồm việc triệu tập các phiên họp đặc biệt, các yêu cầu đối với số đại biểu cần thiết và, theo các quy định của Hiệp ước này, đa số tối thiểu cần thiết cho các quyết định khác nhau.

Điều 22

Văn phòng Quốc tế

Văn phòng Quốc tế của WIPO sẽ thực hiện các nhiệm vụ hành chính liên quan tới Hiệp ước.

Điều 23

Điều kiện để trở thành một Bên tham gia Hiệp ước

(1)    Bất kỳ Quốc gia thành viên nào của WIPO đều có quyền trở thành một Bên của Hiệp ước này.

(2)    Hội đồng có thể quyết định chấp thuận bất kỳ tổ chức liên chính phủ nào tuyên bố rằng tổ chức mình có đủ thẩm quyền, và có điều lệ riêng ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức mình và tổ chức đã được uỷ nhiệm một cách hợp lệ theo quy chế hoạt động của tổ chức mình, đối với các vấn đề được quy định trong Hiệp ước này, để trở thành một Bên của Hiệp ước này.

(3)   Liên minh Châu Âu, do đã có tuyên bố được nêu ở Khoản trên tại Hội nghị Ngoại giao thông qua Hiệp ước này, có thể trở thành một Bên của Hiệp ước này.

Điều 24

Quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước

Trừ trường hợp Hiệp ước này có quy định khác, mỗi Bên tham gia được hưởng tất cả các quyền và thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo Hiệp ước này.

Điều 25

Ký kết hiệp ước

Hiệp ước này sẽ được mở rộng để lấy chữ ký của các Bên đủ điều kiện tại trụ sở của WIPO trong thời gian một năm sau khi được thông qua.

Điều 26

Hiệu lực của Hiệp ước

Hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau ba tháng, kể từ khi 30 Bên đủ điều kiện được nêu tại Điều 23 gửi hết các văn kiện phê chuẩn hay văn kiện gia nhập.

Điều 27

Ngày hiệu lực của việc trở thành thành viên của Hiệp ước

Hiệp ước này sẽ ràng buộc:

  1. 30 Bên đủ điều kiện được nêu tại Điều 26, kể từ ngày Hiệp ước này có hiệu lực;  
  2. Mỗi Bên đủ điều kiện được nêu tại Điều 23, kể từ ngày hết hạn thời hạn ba tháng tính từ ngày mà Bên đó gửi văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập cho Tổng giám đốc WIPO.

Điều 28

Rút khỏi Hiệp ước

Bất kỳ Bên tham gia nào đều có thể rút khỏi Hiệp ước này bằng cách thông báo cho Tổng giám đốc WIPO. Việc rút khỏi hiệp ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng giám đốc WIPO nhận được thông báo.

Điều 29

Ngôn ngữ của Hiệp ước

(1)   Hiệp ước này được ký trên một bản gốc duy nhất bằng tiếng Anh, tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các bản bằng tất cả các thứ tiếng này đều có giá trị ngang nhau.

(2)   Một văn bản chính thức bằng bất kỳ thứ tiếng nào ngoài các ngôn ngữ nêu tại mục (1) sẽ được Tổng giám đốc WIPO thảo ra theo yêu cầu của một Bên có liên quan, sau khi tham khảo tất cả các Bên liên quan khác. Trong khoản này, "Bên liên quan" nghĩa là bất kỳ quốc gia thành viên nào của WIPO mà ngôn ngữ chính thức, hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của quốc gia đó, được yêu cầu thảo ra, và là Liên minh Châu Âu, và bất kỳ tổ chức liên chính phủ nào khác có thể trở thành một Bên của Hiệp ước này, nếu có một trong các ngôn ngữ chính thức đượć yêu cầu thảo ra.

Điều 30

Lưu giữ

Tổng giám đốc WIPO lưu giữ Hiệp ước này.

 


[1] Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 1: Điều này được hiểu rằng không có gì trong Hiệp ước này ảnh hưởng đến bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ theo Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm của WIPO (WPPT) hoặc giải thích của nó và đoạn 3 không tạo ra bất kỳ nghĩa vụ cho một Bên ký Hiệp ước này để phê chuẩn hoặc gia nhập WPPT hoặc thực hiện theo các quy định của nó.

[2] Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 1 (3): Điều này được hiểu rằng Bên ký kết là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thừa nhận tất cả các nguyên tắc và mục tiêu của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) và không có gì trong Hiệp ước này ảnh hưởng đến các quy định của Hiệp định TRIPS, bao gồm nhưng không giới hạn, ở các quy định liên quan đến chống cạnh tranh.

[3] Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 2 (a): Điều này được hiểu rằng định nghĩa "người biểu diễn" bao gồm những người trình diễn một tác phẩm văn học nghệ thuật được tạo ra hoặc định hình lần đầu tiên cuộc biểu diễn.

[4] Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 2 (b): được xác nhận rằng định nghĩa "định hình nghe nhìn" trong Điều 2 (b) không có ảnh hưởng đến Điều 2 (c) của WPPT

[5] Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 5: Vì mục đích của Hiệp ước này và không làm ảnh hưởng tới bất kỳ hiệp ước nào khác, xin nhất trí hiểu rằng, xét bản chất của các thiết bị cố định hình ảnh, âm thanh và việc sản xuất và phân phối chúng, các sửa đổi đối với một cuộc biểu diễn trong quá trình khai thác bình thường của chương trình biểu diễn, như hiệu chỉnh, nén, lồng tiếng, hay định dạng lại, trong các định dạng hay phương tiện mới hay đang có, và trong quá trình sử dụng mà người biểu diễn cho phép, sẽ không dẫn tới các sửa đổi trong phạm vi nghĩa của Điều 5(1)(ii). Các quyền theo quy định tại Điều 5(1)(ii) chỉ liên quan tới những thay đổi có ảnh hưởng một cách khách quan và lớn tới danh tiếng của người biểu diễn. Cũng hiểu rằng việc sử dụng đơn thuần các công nghệ hay phương tiện mới hoặc khác đều không có nghĩa là sửa đổi như quy định tại Điều 5(1)(ii).

[6] Tuyên bố được thông qua liên quan đến ́i Điều 7: Quyền sao chép, như quy định tại Điều 7, và̀ các ngoại lệ được phép theo Điều 7 tới Điều 13 được áp dụng đầy đủ trong môi trường số hóa, đặc biệt đối với việc sử dụng cuộc biểu diễn ở dạng số hóa. Cũng hiểu rằng việc lưu trữ một cuộc biểu diễn được bảo hộ ở dạng số hóa tại một phương tiện điện tử tạo thành sự sao chép trong phạm vi nghĩa của Điều này.

[7] Tuyên bố được thông qua liên quan đến ́i Điều 8 và 9: Như sử dụng trong các điều khoản này, cụm từ "bản gốc và bản sao", tuân theo các quyền phân phối và quyền cho thuê theo các Điều nói trên, là nói riêng tới các bản sao đã cố định có thể được đưa vào lưu hành như những vật thể hữu hình.

[8]Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 8 và 9: Như sử dụng trong các điều khoản này, cụm từ "bản gốc và bản sao", tuân theo các quyền phân phối và quyền cho thuê theo các Điều nói trên, là nói riêng tới các bản sao đã định hình có thể được đưa vào lưu hành như những vật thể hữu hình.

[9] Tuyên bố được thông qua liên quan đến ́ Điều 13: Thông báo thống nhất liên quan tới Điều 10 (về các giới hạn và ngoại lệ) của Hiệp ước của WIPO về Quyền tác giả cũng được áp dụng với những sửa đổi thích đáng về chi tiết cho Điều 13 (về các giới hạn và ngoại lệ) của Hiệp ước.

[10]Tuyên bố được thông qua liên quan đến đến Điều 15 như nó liên quan đến Điều 13: Nó được hiểu rằng không có gì trong Điều này ngăn cản một Bên ký kết áp dụng các biện pháp hiệu quả và cần thiết để một người thụ hưởng có thể sử dụng những hạn chế và ngoại lệ trong pháp luật quốc gia mà Bên ký kết của, theo quy định Điều 13, biện pháp công nghệ đã được áp dụng cho một cuộc biểu diễn nghe nhìn và người thụ hưởng có quyền truy cập hợp pháp để thực hiện rằng, trong hoàn cảnh như các biện pháp thích hợp và hiệu quả đã được thực hiện bởi chủ sở hữu quyền liên quan đến hiệu suất đó để cho phép người thụ hưởng sử dụng những hạn chế và ngoại lệ theo quy định của pháp luật quốc gia của Bên ký kết. Không ảnh hưởng đến việc bảo hộ một tác phẩm nghe nhìn mà cuộc biểu diễn được định hình, nó được hiểu rằng các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 15 không áp dụng đối với các cuộc biểu diễn không được bảo hộ hoặc không còn được bảo hộ theo luật pháp quốc gia theo Hiệp ước này.

[11]Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 15: Cụm từ "các biện pháp kỹ thuật được người biểu diễn sử dụng" [đã được bổ sung nhấn mạnh] cần phải được hiểu rộng, vì đây là trường hợp liên quan tới Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và ghi âm, ghi hình của, tới cả những người đóng vai trò đại diện cho những người biểu diễn, bao gồm người đại diện, người được cấp phép hay người được chuyển nhượng, gồm có nhà sản xuất, người cung cấp dịch vụ, và người tham gia cung cấp thông tin hay phát sóng có sử dụng cuộc biểu diễn trên cơ sở có sự cho phép đầy đủ.

[12]Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 16: Thông báo thống nhất liên quan tới điều 12 (về các nghĩa vụ liên quan tới thông tin quản lý quyền) của WCT̉ cũng được áp dụng với những sửa đổi thích đáng về chi tiết cho Điều 16 (về các nghĩa vụ liên quan tới thông tin quản lý quyền) của Hiệp ước.

img