Thứ Bảy, 16-12-2023 03:27
img

Hội thảo “Bảo vệ nội dung trực tuyến toàn cầu” tại Hàn Quốc, ngày 08 tháng 11 năm 2023

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo hộ bản quyền trên môi trường số giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, ngày 08/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn quốc tổ chức Hội thảo “Bảo vệ nội dung trực tuyến toàn cầu tại Hàn Quốc” với sự tham dự của phía đoàn Việt Nam gồm: đại diện Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Toàn án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân. Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Park  Jung Youl, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo
Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, ông Park  Jung Youl, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, bao gồm cả câu chuyện về bản quyền nói chung và bản quyền trên môi trường số nói riêng. Từ năm 2010 đến nay, hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã cùng nhau phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn, các chuyến khảo sát về bản quyền nhằm tạo sự hợp tác bền chặt quan hệ giữa hai quốc gia. Ông Park  Jung Youl cho rằng, việc  xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số có tính chất xuyên biên giới, không chỉ là thách thức với Việt Nam mà ngay cả với những quốc gia dày dặn kinh nghiệm xử lý như Hàn Quốc. Ông đề nghị hai bên cần hợp tác, chung tay giải quyết vấn đề này nhằm thúc đẩy việc bảo hộ bản quyền trên không gian mạng ngày càng được nâng cao giữa hai quốc gia.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An
phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Đại diện cho đoàn công tác Việt Nam, trưởng đoàn, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An phát biểu chào mừng Hội thảo. Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thông tin và dữ liệu trong đó có nội dung bản quyền trên không gian mạng là nguyên liệu có giá trị lớn, có thể được sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian và thời gian; vai trò của đổi mới sáng tạo và bảo vệ tác quyền, phát triển thương hiệu, đặc biệt là trên môi trường mạng là vô cùng quan trọng. Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho rằng, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong đó có Hàn Quốc về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nội dung bản quyền bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật là một trong những ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Hội thảo “Bảo vệ nội dung trực tuyến toàn cầu” tập trung vào các nội dung chính: giới thiệu chính sách bảo vệ bản quyền tại Hàn Quốc; giới thiệu công việc của Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA); các trường hợp cụ thể điều tra vi phạm bản quyền trực tuyến của Sở cảnh sát Hàn Quốc; thực trạng ngành công nghiệp game Hàn Quốc và các vụ vi phạm bản quyền kỹ thuật số; hành lang pháp lý và giải pháp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng tại Việt Nam; công tác bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ở Việt Nam; tình hình đối phó với xâm phạm bản quyền ở Việt Nam; công tác chống tội phạm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo phương thức tố tụng tư pháp tại Tòa án Việt Nam; các vấn đề về sao chép bất hợp pháp và kinh nghiệm hợp tác quốc tế giải quyết xâm phạm bản quyền trên môi trường số.
Bà Lê Thị Hương, Chuyên viên Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch
 phát biểu tại Hội thảo
Đại diện cho Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, bà Lê Thị Hương, Chuyên viên Cục Bản quyền tác giả đã có bài phát biểu về hành lang pháp lý bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và các giải pháp nhằm bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Bà Lê Hương cho biết, hiện nay Việt Nam đã tích cực tham gia các điều ước quốc tế song phương và đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan và đặc biệt gần đây nhất, Việt Nam đã gia nhập hai Hiệp ước quốc tế của WIPO: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn, bản ghi âm (WPPT). Theo đó, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, các bản ghi âm, các cuộc biểu diễn trong môi trường kỹ thuật số có xuất xứ từ các nước thành viên tại lãnh thổ Việt Nam: đảm bảo mức độ bảo hộ tối thiểu theo Hiệp ước và đảm bảo mức độ bảo hộ tương đương với mức độ bảo hộ mà pháp luật Việt Nam dành cho các tác phẩm của công dân Việt Nam. Đồng thời, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học của công dân Việt Nam, các cuộc biểu diễn, bản ghi âm của cá nhân, tổ chức Việt Nam được bảo hộ tại các quốc gia thành viên của Hiệp ước.
Bà Lê Hương cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật về quyền tác giả quyền liên quan Việt Nam tương đối hoàn thiện. Vừa qua, ngày 16/6/2022, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã góp phần hiệu quả trong công tác bảo hộ bản quyền trên môi trường số, điển hình như Luật đã bổ sung điều 198b về Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian theo cam kết tại Hiệp định EVFTA. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã quy định rõ quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan; quy trình đối với nội dung thông tin số được phát trực tiếp theo thời gian thực và các nội dung cần lưu ý liên quan tới quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn.
Quang cảnh Hôi thảo
Sau khi lắng nghe các bài phát biểu của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan của hai quốc gia, Hội thảo chuyển sang phiên 2: thảo luận nhóm về các biện pháp xử lý xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, kinh nghiệm về việc xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian của hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc.
Phiên 2 tại Hội thảo: thảo luận nhóm
Trong khuôn khổ của chuyến công tác, ngày 10/11/2023, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) để tìm hiểu về hệ thống quản lý, phát hiện vi phạm bản quyền trên môi trường số của Hàn Quốc. Chương trình ngăn chặn vi phạm bản quyền bất hợp pháp của Hàn Quốc được xây dựng, phát triển để tự động giám sát vi phạm bản quyền trực tuyến 24/7 thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, phát sóng, xuất bản, truyện tranh, phim hoạt hình v.v… và gửi yêu cầu xóa chúng đến Website vi phạm hoặc cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền.
Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Cơ quan
Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA)
Ngoài ra, phía Hàn Quốc đã tích cực triển khai các chính sách và chương trình khác nhau như giáo dục bản quyền trực tuyến và các chiến dịch nâng cao nhận thức để công chúng có thể tự nguyện tham gia vào việc tạo ra một môi trường tôn trọng bản quyền và nuôi dưỡng sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Trong thời gian tới, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi bản quyền trên môi trường số./.
Một số hình ảnh của đoàn công tác Việt Nam tại Hàn Quốc:
Đoàn công tác Việt Nam khảo sát, trải nghiệm văn hoá tại Cung Cảnh Phúc, Hàn Quốc
Đoàn công tác Việt Nam tới khảo sát, trải nghiệm tại Đài truyền hình KBS Hàn Quốc
Lê Hương 
img