Chủ Nhật, 11-09-2022 10:51
img

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT)

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Việc sáng tạo, truyền bá và lưu trữ tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng dưới hình thức số hóa dần trở nên phổ biến, tuy nhiên việc vi phạm quyền tác giả trên mạng internet cũng ngày một nghiêm trọng hơn. Do vậy, phải có các quy định bảo hộ và phòng chống vi phạm quyền tác giả trên môi trường số, không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế.

Các Hiệp ước trên môi trường số ra đời đã góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là internet đối với yêu cầu bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo, lữu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet. Ngày 17/02/2022 Việt Nam gia nhập và là thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT); từ ngày 01/7/2022 là thành viên của Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT).


Quang cảnh Hội nghị

Để các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã tham gia thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, ngày 16 tháng 9 năm 2022, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT tại thành phố Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao…; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan; đại diệncác Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ trung gian và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuyết trình tại Hội nghị

Thuyết trình tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết việc tham gia 2 Hiệp ước WCT và WPPT góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong quá trình chuyền đổi số hiện nay. Phó Cục trưởng nhấn mạnh, việc gia nhập và thực hiện 2 Hiệp ước WCT, WPPT không ảnh hưởng tới hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam vì các quy định cơ bản của 2 Hiệp ước đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua đã làm rõ, quy định chi tiết nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số, đảm bảo cho việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông thuyết trình tại Hội nghị

Thuyết trình tại Hội nghị về kinh nghiệm Quốc tế về bảo hộ bản quyền trên không gian mạng, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho biết: “Việt Nam đã có quy định về miễn trừ trách nhiệm với chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian tại Điều 198b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Tuy nhiên, chưa có quy định về quy trình gỡ bỏ thông tin. Hiện nay, quy trình thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), giấy tờ thủ tục hành chính và thông báo từ Bộ TTTT đến ISP là làm theo quy trình nội bộ. Thực tế cho thấy, các chủ thể quyền bày tỏ mong muốn làm việc trực tiếp với ISP. Hành động chặn gỡ về mặt kĩ thuật không khó khăn nhưng quy trình chặn gỡ do Bộ TTTT đang gây tốn nhiều thời gian. Vì vậy, cần có sự sự phân chia quyền quản lý giữa Bộ TTTT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để việc gỡ bỏ thông tin trên không gian mạng được hiệu quả nhất”. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, cần tăng cường hợp tác giữa các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan với các hội, hiệp hội với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong việc ngăn chặn hành vi sử dụng, phân phối các sản phẩm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Thông qua Hội nghị, các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên toàn quốc có dịp để nắm bắt những nội dung trong các Điều ước quốc tế, trao đổi, thảo luận kinh nghiệm trong việc quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng. Qua đó, góp phần thực thi tốt các nghĩa vụ pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tham gia.

Việc gia nhập 2 Hiệp ước WCT và WPPT tạo động lực cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm trên môi trường số, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Lê Hương

 

img