Thứ Năm, 30-11-2023 12:37
img

Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII

Thực hiện Quyết định số 2962/QĐ-BVHTTDL ngày 11/410/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 22/11/2023, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, nhấn mạnh: “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm, cùng đó nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD); đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg.” Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số trong giai đoạn mới đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu chào mừng tại Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Tỉnh Lâm Đồng rất vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII cũng như tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”, đây là một chương trình quan trọng để chúng ta cùng thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để giải quyết việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Thời gian tới, tỉnh Lâm đồng sẽ tiếp tục đồng hành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị của Bộ nghiên cứu để đề xuất, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay, qua đó đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội”. Ông Phạm S, cho rằng: Thông qua thông qua các hoạt động tại liên hoan phim là dịp để tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khẳng định là điểm đến lý tưởng, thu hút nhiều hơn nữa các đoàn, nhà làm phim đến thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc…, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lâm Đồng thông qua các tác phẩm điện ảnh.
Chủ trì tại Hội thảo
Gửi thông điệp đến Hội thảo, bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc Lĩnh vực Bản quyền và Công nghiệp Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết: Để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Thành công của một bộ phim không thể đoán trước được. Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công hoặc tư nhân. Để những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiên truyền thống: Rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế. Nhưng để điều này được bền vững và để điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim.
Bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc Lĩnh vực Bản quyền và Công nghiệp Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) gửi tới Hội thảo những chia sẻ về bảo vệ bản quyền trong ngành công nghiệp điện ảnh
Bà Sylvie Forbin cho rằng, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích, Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về Biểu diễn Nghe nhìn (audiovisual), một phần của các hiệp ước Internet của WIPO có thể mang lại cơ chế bảo vệ quyền của người biểu diễn trong các buổi biểu diễn nghe nhìn (audiovisual) của họ và vai trò quan trọng của các điều ước quốc tế đó trong việc thúc đẩy và bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Hiệp ước để các tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu. Tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ tập trung vào cách quyền tác giả và quyền liên quan mang lại động lực cho người sáng tạo, cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố hệ thống thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, thịnh vượng”- bà Sylvie Forbin cho biết.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh ngày càng tinh vi hơn. Một số cá nhân, tổ chức đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính. Theo đó, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, các cá nhân, tổ chức có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng theo quy định tại Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Bà Phạm Thị Kim Oanh cũng cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định về cơ chế riêng, trong đó yêu cầu chủ thể quyền phải chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tới doanh nghiệp trung gian trước khi phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng.Cơ chế này là nội dung mới của pháp luật về quyền tác giả, thể hiện chính sách đổi mới về bảo vệ bản quyền trên không gian mạng hiệu quả, khả thi, có tính chất như một biện pháp khẩn cấp tạm thời, là giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra của chủ thể quyền, nhà đầu tư khi tác phẩm điện ảnh bị truyền đạt trái phép trên mạng.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, Đạo diễn, nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng đã nêu lên vấn đề các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng nhưng cũng chưa có giải pháp xử phạt nặng các cá nhân, trang mạng thực hiện hành vi này. Theo ông Dũng, vấn đề này cần được chú trọng giải quyết để tạo ra môi trường Điện ảnh lớn mạnh trong nước. Ngoài ra, một tác phẩm Điện ảnh cũng có thể bị xâm phạm bằng ngôn từ, khen chê bừa bãi thiếu cơ sở gây tổn thất về kinh tế cho tác phẩm, tác giả nhưng cũng chưa có chế tài xử lý. Thực trạng này cũng gây ra khó khăn cho các nhà làm phim mới nổi hoặc mới làm phim.
Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa cho biết Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn, với nhiều cơ hội và dư địa cho sự tiến bộ. Tuy nhiên, một trong những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến nền điện ảnh Việt nói riêng và giải trí nói chung là vi phạm bản quyền. Những hành động vi phạm này gây ảnh hưởng nặng nề đến tập thể ekip phim, gây thất thu không nhỏ đến ngành điện ảnh. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: “Nếu tìm kiếm phim Siêu lừa gặp siêu lầy, sẽ thấy hàng trăm video clip xuất hiện, chúng tôi không thể báo cáo, ngăn chặn hết. Do đó giải quyết vi phạm bản quyền cần xuất phát từ hướng người xem thay vì hướng người làm phim”. Ông Võ Thanh Hòa kiến nghị cần có thêm những chính sách mới mạnh mẽ, dứt khoát hơn đối với cá nhân vi phạm đòi hỏi sự kết hợp mật thiết hơn của cơ quan nhà nước và đơn vị sở hữu bản quyền. Song song đó, việc ứng dụng AI vào trong quá trình “kiểm soát” bản quyền cũng vô cùng quan trọng đặc biệt là trong thời đại số như hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Thủ Đô phát biểu tại Hội thảo
Với môi trường phân phối nội dung ngày càng rộng lớn và vấn đề vi phạm bản quyền nội dung số đặc biệt là ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng phức tạp, đối mặt với các mối đe dọa kỹ thuật số đa dạng là vấn đề sẽ tồn tại trong môi trường kỹ thuật số. Nhằm đối phó với những mối đe dọa đa dạng này, bên cạnh những chính sách điều hành, quản lý, yếu tố công nghệ cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trước thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Thủ Đô chia sẻ rằng: trên môi trường internet, các tác phẩm phải được bảo vệ trước khi xuất bản lên intenet.
Tại hội thảo, Thủ Đô Multimedia đã giới thiệu giải pháp bảo vệ bản quyền Sigma DRM và giải pháp đánh dấu bản quyền Sigma Audio Watermark là các giải pháp được phát triển bởi đội ngũ trong nước giúp các nhà sản xuất có thể chủ động kết nối và bảo vệ tác phẩm điện ảnh.
Cũng theo ông Hân, giải pháp Sigma DRM và Sigma Audio Watermark sẽ tạo ra sự bảo vệ tốt nhất không chỉ lĩnh vực phim ảnh mà còn trong lĩnh vực Truyền hình OTT, âm nhạc, giáo dục trực tuyến… Giải pháp sẽ giúp chặn đứng việc sóng truyền hình bị đánh cắp, đường truyền dẫn trái phép trên internet và những nội dung riêng tư bị đánh cắp nhằm mục đích bất chính, trái pháp luật gây ảnh hưởng đến chủ sở hữu.
Đặc biệt trong Hội thảo này, Thủ Đô Multimeida mong muốn được chung tay hợp tác và cung cấp giải pháp giúp bảo vệ bản quyền cho các studio điện ảnh các nhà phát hành trực tuyến trước khi được xuất bản trên internet.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trao đổi tại Hội thảo
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú thu hút sự chú ý tại hội thảo khi ông đề cập đến những vấn đề nổi cộm về bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh hiện nay. Như việc sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đã có trên không gian mạng đưa vào tác phẩm nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp mà không hề trực tiếp xin phép tác giả. “Đó là thực trạng vi phạm bản quyền rất nhức nhối. Đáng ra, trước khi đưa vào phim các nhà làm phim phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.
Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam trao đổi tại Hội thảo
Nói về tác hại nặng nề của tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam, Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tiết lộ “một số studio lớn ở Hollywood như Walt Disney rất muốn có đại diện sản xuất ở Việt Nam, nhưng thấy tình trạng vi phạm bản quyền đứng đầu nên ngập ngừng chưa muốn vào. Tiến sỹ Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh: “Trong công cuộc xây dựng công nghiệp điện ảnh theo tôi vấn đề bảo vệ bản quyền vẫn luôn rất quan trọng”.
Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” nằm trong chuỗi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII là dịp để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan để tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật, chính sách hỗ trợ, tạo động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp điện ảnh nói riêng theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp khoảng 7% GDP của đất nước.
Cục Bản quyền tác giả
img