Thứ Hai, 06-11-2023 04:10
img

Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 26/10/2023

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ, cuộc chiến về bảo vệ bản quyền trên không gian mạng càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết. Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các chủ sở hữu quyền, cũng như công cuộc chuyển đổi số mà Chính phủ đưa ra. Do đó, bảo vệ bản quyền trên không gian mạng đang là vấn đề cấp bách và đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” (sau đây gọi tắt là Hội thảo).

Ban Tổ chức và đại diện các đơn vị phối hợp tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thì việc đẩy mạnh thực thi bản quyền trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Để làm tốt việc này, cần nhanh chóng triển khai, lập cơ chế tiếp nhận yêu cầu, gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới các nội dung, thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực cũng như tham khảo những kinh nghiệm quốc tế để vận hành hệ thống một cách hiệu quả”.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo gồm 5 chuyên đề: Tổng quan các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng; Thực trạng khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng; Ứng dụng công nghệ số vào việc khai thác và bảo vệ quyền trên không gian mạng; Kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian và Xử lý vi phạm bản quyền trên không gian mạng.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng là vấn đề không chỉ nhức nhối tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tìm được giải pháp phù hợp không chỉ đảm bảo việc thực thi quyền trên không gian mạng, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Ông Mai Thanh Huy, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phát biểu tại Hội thảo

Một trong những giải pháp bảo vệ bản quyền là ứng dụng công nghệ số, ông Mai Thanh Huy, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, trung tâm đã ứng dụng công nghệ số để theo dõi, khai thác, quản lý việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên không gian mạng; ngoài ra, trung tâm cũng đảm bảo rằng bản quyền âm nhạc được bảo vệ. Bên cạnh đó, ông Mai Thanh Huy cũng đề xuất một số kiến nghị để việc bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng được thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Đó là cần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, theo đó cần có cơ chế hoặc hệ thống chung cho việc xử lý vi phạm bản quyền trên nền tảng thuộc sở hữu của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, trong đó có quy định về vấn đề chịu trách nhiệm liên đới của các doanh nghiệp này. Bổ sung các chế tài đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cụ thể bằng các biện pháp Dân sự, Hình sự, Hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng và xử lý dễ dàng hơn. Thứ ba, bổ sung các phương thức cụ thể để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ WEWE

Về việc vi phạm bản quyền với lĩnh vực sách nói, theo ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ WEWE, từ tháng 7/2020 đến nay, Voiz FM cho tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm. Điều này cho thấy, tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói đang tăng mạnh và khó kiểm soát, trong đó có 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói, đó là “USB sách nói/Link chia sẻ”, “kênh YouTube sách nói”, “Website”.

Để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói, ông Lê Hoàng Thạch cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nền tảng lớn để ngăn chặn quảng cáo trên những nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook… thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ, nhỏ lẻ. Cùng với đó, các đơn vị cần có những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng sách nói lậu. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn sách nói chính thống và chất lượng. Ngoài ra, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần khuyến khích các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

Ông Phạm Văn Anh, Trưởng bộ phận Pháp chế Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect

Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục những khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, đại diện Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và Dịch vụ Sconnect đã đưa ra một số giải pháp đề xuất. Theo đó, thứ nhất cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hộ bản quyền trong môi trường kỹ thuật số. Trong đó, quy định chi tiết về các hành vi vi phạm, chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ Internet trong trường hợp bản quyền bị xâm phạm trong môi trường kỹ thuật số. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các nền tảng trung gian cung cấp dịch vụ trên Internet. Để làm được điều này, Cơ quan nhà nước Việt Nam cần có chế tài và mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi không tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam trên chính lãnh thổ Việt Nam cúa các nền tảng trung gian và bên lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ.

Luật sư Võ Trung Tín, đại diện Văn phòng Luật sư Phan Law phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng đưa ra biện pháp xử lý vi phạm bản quyền trên không gian mạng dưới góc độ yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, luật sư Võ Trung Tín, đại diện Văn phòng Luật sư Phan Law lưu ý, cần tuân thủ theo các yêu cầu, nguyên tắc của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với Bộ luật tố tụng dân sự, khi chủ thể yêu cầu khởi kiện thì họ phải chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình. Do đó, khi thực hiện khởi kiện tại tòa về yêu cầu bồi thường thiệt hại thì sẽ có 3 vấn đề chính cần lưu ý. Thứ nhất, cần phải chứng minh nguyên đơn – người khởi kiện là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai, phải chứng minh hành vi vi phạm của đơn vị vi phạm. Thứ ba, phải chứng minh thiệt hại của chủ thể quyền, chúng ta phải biết được mình thiệt hại như thế nào và phải thể hiện được việc thiệt hại đó.

Bên cạnh ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đại diện trong nước, Hội thảo còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đến từ Tập đoàn Canal+, Tập đoàn Nagra và Ban Tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh. Từ đó, đưa ra các đề xuất, giải pháp tại Việt Nam và các kiến nghị, giải pháp về khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trưởng ban tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh phát biểu tại Hội thảo

Về tình trạng vi phạm bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trưởng ban tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh cho biết, các vụ vi phạm bản quyền của giải tại Việt Nam hiện rất tinh vi và phức tạp, đứng đằng sau là tội phạm có tổ chức như tổ chức tội phạm chuyên về cá cược. Hiện nay, với công cụ hiện có, tại Anh đã chặn hàng ngàn tên miền và IP trên toàn thế giới. Ông Aaron Herps cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình để hỗ trợ xây dựng các quy trình chặn truy cập ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nói về cách xử lý vi phạm trên, theo ông Aaron Herps, cần dùng công nghệ bảo vệ các chương trình phát sóng khi làm việc cùng K+ và sử dụng các công nghệ về lọc kênh, lọc thông tin trên Internet để tìm ra các nội dung đang bị phát bất hợp pháp. Cụ thể, khi phát hiện, đơn vị sẽ gửi thông tin đến các bên cung cấp dịch vụ và các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Telegram để cảnh báo.

Về các chương trình sắp tới, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, đơn vị sẽ triển khai chiến dịch “Nâng cao nhận thức về việc xâm phạm bản quyền và ăn cắp nội dung”. Chương trình được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về vấn đề này. Bên cạnh đó, phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng tổ chức đào tạo để nâng cao nhận thức không chỉ đối với người dùng xã hội nói chung, mà còn đào tạo nâng cao nhận thức cho các cơ quan báo chí truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Minkowski Simon, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Tập đoàn Canal+ phát biểu tại Hội thảo

Trao đổi tại Hội thảo về nội dung chặn truy cập các nội dung vi phạm bản quyền, Ông Minkowski Simon, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Tập đoàn Canal+ đã giới thiệu quy trình chặn truy cập tại Pháp và Ý. Khi phát hiện có sự xâm phạm, đầu tiên chủ sở hữu quyền và Đài truyền hình sẽ đưa ra thông báo đề nghị cần ghi rõ đầy đủ tên miền, địa chỉ IP, bằng chứng số và lệnh chặn. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra yêu cầu chặn thông qua công cụ của mình sau đó thông tin đến các ISP. Các ISP sau khi nhận được thông tin sẽ xử lý tự động và quy trình kết thúc. Với quy trình này, trong năm 2022, Tập Đoàn Canal+ ở Pháp đã chặn hơn 1,700 miền; 200 miền bị xóa khỏi công cụ tìm kiếm của Google; giảm đáng kể các trang web phát trực tiếp bất hợp pháp trong thời kỳ chặn và 15% người dùng Internet sau khi bị đối mặt với việc bị chặn truy cập đã chuyển sang các dịch vụ hợp pháp.

Ông Tawfik Dabboui Giám đốc dự án Tập đoàn Nagra phát biểu tại Hội thảo

Trong khi đó, giải pháp công nghệ của Nagra tập trung vào xử lý các website lậu cung cấp nội dung nghe, xem miễn phí, dịch vụ chia sẻ mã khóa và cung cấp dịch vụ truyền hình giao thức internet lậu. Tập đoàn này hệ thống hóa quy trình chặn truy cập, phối hợp tất cả các bên có liên quan để chặn DNS và IP các bên sai phạm.

Hội thảo sôi nổi hơn nữa qua phần hỏi, đáp của các đại diện đến từ các doanh nghiệp sáng tạo nội dung số, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian, các luật sư….  Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa quốc gia.

Qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số cho các đối tượng tham gia, để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng nhận định, việc bảo vệ bản quyền trên không gian mạng khi triển khai áp dụng luật rất là khó, đặc biệt trên môi trường mạng, do đó, phải áp dụng các công cụ phát hiện, ngăn chặn. Cục Bản quyền tác giả sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để xây dựng công cụ phát hiện, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thông qua kinh nghiệm của các đơn vị, tổ chức quốc tế… các giải pháp của những đại diện này đề cập có thể được áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Lê Hương

img