Chủ Nhật, 08-01-2023 01:11
img

Hội thảo về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

Ngày 11/11/2022 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội thảo về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Để đảm bảo văn bản quy định chi tiết được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Trong những năm gần đây, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang được xã hội rất quan tâm, nhất là trong thời điểm Việt Nam thi hành các cam kết về Sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn. Do đó, việc đăng ký bản quyền ngày càng được xã hội chú trọng và hưởng ứng. Cục Bản quyền tác giả là cơ quan thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.Trong đó, có nhiệm vụ cấp, cấp lại, cấp đổi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Theo quy định của pháp luật, số thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm 07 thủ tục hành chính về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm: Cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận. Trong đó 6 thủ tục hành chính này đã thực hiện Dịch vụ công mức độ 4, và 1 thủ tục thực hiện dịch vụ công mức độ 2).

Hàng năm, số lượng hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tăng trung bình khoảng 8-10%/năm, khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo do việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng và quan tâm của các cá nhân, tổ chức.

Ngoài ra, thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay còn thiếu những hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình như chương trình máy tính, tác phẩm kiến trúc, bản họa đồ, sơ đồ…

Ông Nguyễn Việt Bách, Chuyên viên Phòng đăng ký Quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả

Cục Bản quyền tác giả cũng đã giới thiệu đến các đại biểu những nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên qua và Dự thảo Thông tư quy định các biểu mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Việc cần thiết ban hành một thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về các mẫu theo từng loại hình quyền tác giả, quyền liên quan để có thể có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi thực hiện hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả. “Dự thảo Thông tư ngoài phần căn cứ pháp lý, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung cơ bản bao gồm: 8 mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả theo các loại hình được quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009; môt mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan; một mẫu Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả; một mẫu Giấy Chứng nhận đăng ký quyền liên quan”.

Tại Hội nghị – Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày những kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Các đại biểu cũng chia sẻ chi tiết về quy trình, thời gian đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Hàn Quốc và Hoa Kỳ, cụ thể tại Hàn Quốc thời gian thụ lý hồ sơ đăng ký quyền tác giả là 90 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, còn tại Hoa kỳ thời gian thụ lý có thể kéo dài từ 2 đến 7 tháng, những trường hợp đặc biệt hồ sơ thụ lý kéo dài đến 13 tháng. Thời gian thụ lý này có thể đảm bảo hơn về chất lượng cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan của các quốc gia. Tại Việt Nam, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội và sự nở rộ của các trào lưu trong xã hội, nội dung của các tác phẩm văn học, khoa học nghệ thuật cũng ngày một phong phú hơn, thể hiện những nội dung mới do đó đòi hỏi quá trình thụ lý hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng bỏ lọt những tác phẩm có nội dung chống phá nhà nước, mê tín dị đoan, truyền bá tư tưởng độc hại, gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác, do đó thời hạn giải quyết chỉ có 15 ngày làm việc là không còn phù hợp.

Quang cảnh tại Hội thảo

Thực tiễn cho thấy công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan còn bị vướng mắc trong quá trình hướng dẫn hồ sơ đăng ký do chưa có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về các mẫu cụ thể trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, chỉ có một mẫu Tờ khai đăng ký quyền tác giả duy nhất áp dụng chung cho tất cả các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, trong khi đó mỗi loại hình lại có những đặc điểm khác nhau.

Các hướng dẫn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chỉ căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định nên vẫn còn chung chung, vì vậy gây mất thời gian cho chuyên viên tiếp nhận hồ sơ cũng như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Vì thế, để đảm bảo các văn bản, mẫu quy định chi tiết được ban có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 theo quy định tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, cũng như giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn về công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

                                                                               Diệu Linh

img