Chủ Nhật, 08-01-2023 01:34
img

Họp Tiểu Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật  Sở hữu trí tuệ

Sáng ngày 06/10, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có buổi làm việc với Tiểu Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, vừa qua, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã chính thức được Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 với dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2022. Bộ VHTTDL giao Cục Bản quyền tác giả là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Dự án Luật SHTT. Đến nay, Cục Bản quyền tác giả đang thực hiện đúng tiến độ sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả, quyền liên quan.

Ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phat biểu tại buổi họp

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT thay mặt Ban Soạn thảo, báo cáo về quy trình, mục tiêu việc sửa đổi Luật SHTT phải đảm bảo tuân theo 7 nhóm chính sách đã được nêu tại Tờ trình số 121/Ttr-BKHCN ngày 17/01/2020, Báo cáo đánh giá tác động số 122/BC-BKHCN kèm theo bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội Khóa XIV thông qua (Nghị quyết số 106/2020/QH14). Trong đó, nội dung quyền tác giả, quyền liên quan thuộc 6 nhóm chính sách (1,3,4,5,6,7) đặc biệt là chính sách 7 (bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập) chiếm phần lớn các điều khoản sửa đổi lần này. Đồng thời, đến hiện nay, Ban Soạn thảo đã thống nhất đối tượng và phạm vi trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan.

Quang cảnh buổi Họp


Phạm Thị Kim Oanh Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại buổi Họp

Các thành viên trong Tiểu Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng Dự án Luật đại diện cho các Cục, Vụ trong Bộ VHTTDL đã đưa ra các ý kiến đóng góp cụ thể có liên quan đến từng nhóm vấn đề và lĩnh vực của từng đơn vị mình quản lý. Mỗi ý kiến đóng góp của các đơn vị đều được Cục Bản quyền tác giả ghi nhận và tiếp thu nhằm hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật sửa đổi. Các thành viên trong Ban soạn thảo sẽ sớm có công văn chính thức về việc đóng góp ý kiến gửi về Cục Bản quyền tác giả, để Cục Bản quyền tác giả tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi Họp

Phát biểu kết luận buổi Họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao sự chủ động, tính nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao của Cục Bản quyền tác giả, Tiểu Ban soạn thảo xây dựng Dự án Luật, đến thời điểm này đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng nội dung quyền tác giả, quyền liên quan của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật SHTT mà Lãnh đạo Bộ giao. Thứ trưởng đồng tình với việc đề xuất sửa đổi bổ sung các điều, khoản của Luật SHTT mà Tiểu Ban soạn thảo xây dựng Dự án Luật đã đưa ra, trên cơ sở đó sẽ giúp ngành quản lý và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc về quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ trưởng khẳng định: “xây dựng phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan là nội dung khó khăn và phức tạp. Vì vậy, đề nghị các thành viên trong Tổ soạn thảo xây dựng Dự án Luật đại diện cho các Cục, Vụ trong Bộ VHTTDL phải có trách nhiệm góp ý với từng nội dung liên quan đến từng đơn vị đó, gửi góp ý về Cục Bản quyền tác giả để Cục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo, báo cáo Bộ trưởng theo đúng quy trình và thời hạn. Đảm bảo mục tiêu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật SHTT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng”.

Lê Hương

img