Chủ Nhật, 08-01-2023 01:18
img

Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam

Rà soát chính sách thương mại của các nước thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO.

Ngày 27 và 29/4/2021 tại Hà Nội, Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2013 – 2019 được diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Tham dự Phiên rà soát, về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì với sự tham gia của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva cùng đại diện các bộ, ngành và cơ quan liên quan.

 

Về phía WTO, phiên họp do bà Athaliah Lesiba Molokomme, Đại sứ Botswana, Trưởng Bộ phận rà soát chính sách thương mại của WTO chủ trì với sự tham gia của thảo luận viên, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Hà Lan tại WTO Monique Van Daalen, đại diện Ban Thư ký WTO và các thành viên WTO quan tâm tới Phiên rà soát của Việt Nam.

Tại Phiên rà soát chính sách thương mại, Ban Thư ký WTO cùng các thành viên WTO đã đánh giá cao về nội dung các Báo cáo mà các Bộ, ngành của Việt Nam đã phối hợp cung cấp dữ liệu và góp ý; cũng như nỗ lực của phía Việt Nam về việc cố gắng trả lời phần lớn trong gần 900 câu hỏi và bình luận của các thành viên của WTO (theo đánh giá của Ban Thư ký WTO, Việt Nam là một trong năm thành viên WTO nhận được nhiều câu hỏi nhất).

Về phần quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả đã nhận và trả lời 13/13 câu hỏi từ các quốc gia: Canada, Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU). Những câu hỏi này tập trung vào các thay đổi trong chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số tại Việt Nam.

Chủ tọa phiên họp, các đại diện của các quốc gia thành viên WTO chúc mừng Việt Nam về sự thành công của Phiên rà soát chính sách thương mại, nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập WTO cũng như từ sau phiên Rà soát chính sách thương mại đầu tiên.

Sau phiên họp, Ban Thư ký WTO và nhiều thành viên WTO bày tỏ hoan nghênh về những thay đổi tích cực về các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan trong nhiều năm qua và ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, gắn kết hiệu quả giữa tăng trưởng với xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn, đẩy mạnh tiến trình tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và EVFTA và đóng vai trò tích cực trong WTO và các thể chế đa phương khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC và đặc biệt về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, nhất là việc ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đám phán Chính Phủ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ gắn chặt việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với tăng cường năng lực xây dựng thể chế đồng bộ, hiện đại; nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế; thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và các FTA mà Việt Nam là thành viên.

          Nghĩa COV

 

img