Thứ Tư, 01-06-2022 09:02
img

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 31/5/2022, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (dự thảo Luật) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Phiên thảo luận dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung và sự tham dự của đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra – Ủy ban pháp luật của Quốc hội, đại diện cơ quan soạn thảo – Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành
phiên thảo luận sáng ngày 31/5/2022

Báo cáo trước Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với 199 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 3/2022); tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; không mở rộng đến đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đặc thù của đối tượng này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thông nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung quy định này tại khoản 2 Điều 7 (Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ) của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phiên thảo luận đã ghi nhận 18 lượt đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, trong đó có 13 lượt ý kiến có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.

Các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật

Các ý kiến đánh giá cao công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được triển khai từ kỳ họp thứ 2, cũng như các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đặc biệt là đối với các vấn đề lớn như cơ chế về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; nhất trí việc không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; thống nhất cao với việc bổ sung vào dự thảo Luật quy định về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá để bổ sung trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan là trường hợp Nhà nước định giá.

Một số nội dung quyền tác giả, quyền liên quan được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến: về các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập, trong thư viện, ngoại lệ dành cho người khuyết tật; về trường hợp giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan phải bảo đảm tính khả thi trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc trả tiền bản quyền; về định nghĩa đồng tác giả; về quyền nhân thân của tác giả liên quan đến bảo vệ toàn vẹn tác phẩm; về thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; về miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian… nhằm hướng đến mục tiêu tạo môi trường và văn hóa bản quyền lành mạnh, khích lệ lao động sáng tạo, tiếp cận và kế thừa tri thức.

Bên lề phiên họp: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Đồng Ngọc Ba,
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời phỏng vấn
của phóng viên báo chí

Đại diện cho cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình, làm rõ một số nội dung về tài sản trí tuệ, quyền nhân thân của tác giả, đăng ký nhãn hiệu; đồng thời ghi nhận tất cả ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật, với tinh thần xin tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, những vấn đề chưa thể tiếp thu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải trình thật thấu đáo.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các vị đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp xác đáng, trí tuệ trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua theo chương trình kỳ họp./.

Bài viết: Hương Nguyên; Ảnh: Kim Ngọc

img