Chủ Nhật, 12-06-2022 09:05
img

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Sáng 16/6/2022, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với 476/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Tại phiên họp, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết:

Ngày 31/5/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp ý kiến về một số điều, khoản cụ thể.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký
Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý
dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật về các nội dung như: về tác giả, đồng tác giả; về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, trường hợp giới hạn quyền tác giả; về khả năng phân biệt của nhãn hiệu, kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài, từ chối cấp văn bằng bảo hộ; về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết riêng đối với Điều 25 và Điều 86a của dự thảo Luật, trong đó Điều 25 quy định về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả được 478/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Biểu quyết đối với toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, kết quả cho thấy có 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật (chiếm tỷ lệ 95,58%). Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử, thông qua toàn bộ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt – tài sản trí tuệ.  Tại lần  sửa đổi, bổ sung này, nhiều nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập sâu rộng của đất nước. Theo đó, đã sửa đổi, bổ sung 102 điều, bãi bỏ một số quy định tại 06 điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Lãnh đạo Quốc hội chụp ảnh lưu niệm với
đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo

Về quyền tác giả, quyền liên quan, các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 05 nhóm sau:

(1) Làm rõ các quyền của tác giả, đồng tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

(2) Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan.

(3) Quy định rõ tổ chức, hoạt động, các quyền, nghĩa vụ của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch.

(4) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, hướng đến tiếp tục cải cách hành chính và minh bạch hóa thủ tục hành chính.

(5) Quy định làm rõ nhóm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, bổ sung quy định về giả định quyền và trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, thúc đẩy hoạt động thực thi quyền trên môi trường số.

Theo quy định tại Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vừa được thông qua, Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023./.

Bài viết: Hương Nguyên; Ảnh: Kim Ngọc

img