Thứ Tư, 28-06-2023 05:36
img

Tập huấn về Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lí liên quan của Việt Nam tại Hà Nội

Ngày 22/6/2023, Hội người mù Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Tập huấn về Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lí liên quan của Việt Nam tại Hà Nội. Tập huấn diễn ra đồng thời qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Chi Hội người mù các tỉnh, v.v…

Toàn cảnh Tập huấn

Phát biểu khai mạc buổi Tập huấn, Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh và sự quan trọng của các quy định pháp lý liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng thời, bà Đinh Việt Anh gửi lời cảm ơn tới Cục Bản quyền tác giả vì những nỗ lực thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh và nội luật hóa các quy định của Hiệp ước.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam tại buổi Tập huấn

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đã có bài phát biểu chào mừng tại buổi Tập huấn. Ông cho biết, Hiệp ước Marrakesh là một Hiệp ước quốc tế nhân văn và mang tính thúc đẩy phát triển xã hội. Ông Haverman chúc mừng Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp ước trong năm 2023 – khoảng thời gian ý nghĩa, đánh dấu tròn 10 năm ra đời của Hiệp ước Marrakesh.

Bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc WIPO, phát biểu tại buổi Tập huấn

Từ trụ sở WIPO tại Thụy Sỹ, bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc WIPO, gửi lời chào tới toàn thể đại biểu tham gia buổi Tập huấn. Bà Forbin cho rằng, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành là một bước tiến lớn, góp phần nội luật hóa các quy định của Hiệp ước Marrakesh tại Việt Nam, tạo ra các giới hạn, ngoại lệ để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với các tài liệu, nguồn tri thức.

Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh phát biểu tại buổi Tập huấn

Để toàn thể đại biểu có cái nhìn rõ hơn về Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lí liên quan của Việt Nam, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – cơ quan đầu mối xây dựng hồ sơ gia nhập Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã có bài phát biểu tại buổi Tập huấn. Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh đã giới thiệu các thông tin và nội dung chính của Hiệp ước Marrakesh, những quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan dành cho người khuyết tật như Điều 25a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 và Điều 30 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ : quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Các quy định đã nêu lên các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, phân loại rõ các tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ. Trong bài phát biểu, các phương hướng, kế hoạch thực hiện Hiệp ước Marrakesh trong giai đoạn tiếp theo đã được đề ra. Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh kêu gọi sự chung tay, đồng lòng của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức giáo dục, xã hội,v.v… để hiện thực hóa những kế hoạch đó.

Bà Monica Halil Lovblad, Hiệp hội sách tiếp cận ABC chia sẻ tại Tập huấn

Bà Monica Halil Lovblad, người đứng đầu Hiệp hội sách tiếp cận ABC – một đại diện khác từ đầu cầu WIPO (Thụy Sỹ) đã có những chia sẻ để giới thiệu về Hiệp hội sách dành cho người khuyết tật này. Mục tiêu chính của Hiệp hội ABC là phân phối sách ở định dạng kỹ thuật số dễ tiếp cận. ABC cung cấp dịch vụ sách toàn cầu với 127 thư viện thành viên bằng 80 ngôn ngữ và 840.000 đầu sách sẵn có, trong đó có 1500 đầu sách tiếng Việt được đóng góp bởi Trung Tâm Hướng Nghiệp & Công Nghệ Trợ Giúp Cho Người Mù Sao Mai. Ngoài ra, ABC có các dự án đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật tại 39 quốc gia và thúc đẩy xuất bản điện tử.

Trong phần tiếp theo của chương trình, đại diện Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Lãnh đạo Hội người mù Việt Nam, đại diện của UNDP và Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã tham gia tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, thực trạng, thuận lợi, khó khăn và đưa ra những giải pháp để việc triển khai thực hiện Hiệp ước Marrakesh và các quy định liên quan đạt hiệu quả.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, sau những nỗ lực đưa Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh cũng như nội luật hóa quy định của Hiệp ước tại Việt Nam, việc thực hiện Hiệp ước và các quy định pháp luật liên quan trở nên thuận lợi hơn, cải thiện được nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc tạo ra ngoại lệ cho người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực trong việc thực hiện chuyển đổi định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật, cơ sở vật chất, máy móc để phục vụ cho người khuyết tật hay việc các giới hạn, ngoại lệ bị lạm dụng dẫn đến vi phạm bản quyền. Vì vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý và phối hợp thực hiện chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở cả trong nước và quốc tế.

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ VHTTDL chia sẻ thực trạng công tác cung cấp xuất bản phẩm cho người khuyết tật chữ in. Vụ trưởng cho biết trong cả nước đã có 21/63 thư viện tổ chức các hoạt động phục vụ người khuyết tật chữ in trong đó có 7 thư viện có phòng đọc riêng dành cho người khuyết tật với khoảng 30.000  đầu sách được các thư viện phát triển dưới định dạng chữ nổi và sử dụng công nghệ phần mềm chuyên dụng. Ngoài thư viện truyền thống, các thư viện còn triển khai xe thư viện lưu động để người khuyết tật sử dụng các dịch vụ đọc sách. Những khó khăn mà lĩnh vực thư viện đối mặt có thể kể đến như: số lượng thư viện, số lượng tài liệu phục vụ người khuyết tật còn hạn chế, nguồn lực tài chính còn thiếu, chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Vụ Thư viện đã tham mưu với BVHTTDL để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa, trong đó có  các nội dung liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các thư viện dành cho người khuyết tật chữ in.

Bà Đào Thu Hương, Cán bộ UNDP chia sẻ kinh nghiệm thực thi Hiệp ước Marrakesh từ một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ. Thông qua đó, bày tỏ mong muốn UNDP có cơ hội đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan để tiến hành truyền thông rộng rãi hơn về Hiệp ước. Bà Hương hy vọng trong tương lai, Việt Nam có thể phát triển hệ thống liên thư viện quốc gia giúp người khuyết tật chữ in dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các tác phẩm.

Ông Phạm Minh Mục, đại diện Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý, tạo điều kiện đa dạng hóa các nguồn tài liệu về đào tạo, có sách giáo khoa tiêu chuẩn để người thụ hưởng có thể tiếp cận với thông tin, tài liệu chính thống, tránh trường hợp thừa thông tin hoặc thông tin được tiếp cận chưa được kiểm chứng. Ông cho rằng những người thụ hưởng cần mạnh dạn đề xuất những nhu cầu, mong muốn chính đáng về quyền được tiếp cận với các nguồn tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở hoàn thiện pháp luật dựa trên nhu cầu thực tiễn của các đối tượng liên quan.

Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, bà Đinh Viêt Anh chia sẻ trong thời gian tới khi hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, hy vọng luật pháp có thể thực sự đi vào thực tiễn. Hội người mù Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin, kiến thức thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu như website, ứng dụng dành cho người khuyết tật chữ in. Hội cũng có kế hoạch tham gia vào Hiệp hội sách tiếp cận ABC trong tương lai gần. Theo bà Việt Anh, dữ liệu về người khuyết tật chữ in hiện nay còn còn chưa đầy đủ, bà mong muốn sẽ có những cuộc điều tra hoàn thiện cơ sở dữ liệu về người khuyết tật chữ in để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó hình thành các cơ chế, nguồn lực, tránh tình trạng lãng phí khi việc chuyển đổi định dạng cho các tài liệu bị trùng lặp.

Theo dự báo, số lượng người khuyết tật nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập kỷ tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ tăng số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in. Bởi vậy, việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu,v.v… càng trở nên quan trọng ở Việt Nam nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tập huấn về Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lí liên quan của Việt Nam là sự kiện ý nghĩa, giúp người thụ hưởng có cơ hội trao đổi với các chuyên gia, tìm hiểu rõ ràng các thông tin và quyền lợi của bản thân, đồng thời cũng là dịp chia sẻ ý kiến, góp phần sớm đưa những quy định pháp luật liên quan đi vào thực tiễn.

An Phước Hạnh

img