Thứ Sáu, 24-11-2023 07:53
img

Thư Chúc mừng của bà Sylvie Forbin Phó Tổng Giám Đốc Lĩnh vực Bản quyền và Công nghiệp Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Genève, Thụy Sĩ gửi tới Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 22 tháng 11 năm 2023

Kính thưa các đồng nghiệp từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Bản quyền tác giả Việt Nam,

Kính thưa các đại biểu tham dự Hội nghị Quốc gia về Bảo vệ Bản quyền trong Phát triển Công nghiệp Điện ảnh,

Tôi rất vui mừng được gửi lời chào tới các bạn, nhân dịp Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Đây là lần đầu tiên tổ chức hội thảo về vai trò bản quyền đối với ngành điện ảnh trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam.

Lĩnh vực nghe nhìn luôn là một trong những yếu tố then chốt cho sự thịnh vượng của nền kinh tế sáng tạo và không có lĩnh vực nào khác có tác động sâu sắc và tức thời đến con người hơn. Phim, hơn bất kỳ hình thức thể hiện văn hóa nào khác, là một biểu hiện như vậy. Mặc dù vai trò của các nhà sản xuất phim là then chốt nhưng những nỗ lực của họ sẽ vô ích nếu không có sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân sự làm việc để tạo ra bộ phim, đặc biệt là các tác giả và nghệ sĩ biểu diễn.

Quang cảnh Hội thảo

Giống như các lĩnh vực sáng tạo khác, ngành công nghiệp điện ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Nó đã trải qua những thay đổi to lớn và nhanh chóng trong những năm gần đây. Phim có thể được xem ở hầu hết mọi nơi, trên mọi thiết bị và vào bất kỳ thời điểm nào. Phim có thể tiếp cận trực tiếp bởi khán giả thông qua điện thoại thông minh, hiện đã trở thành một trong những phương tiện truyền thông hàng đầu để tiêu dùng dịch vụ phim giải trí. Sự bùng nổ toàn cầu về mô hình kinh doanh và tiêu dùng trực tuyến cũng làm tăng vai trò của các nền tảng, các điều khoản hợp đồng mẫu cũng như các điều kiện thương mại khác đối với các giao dịch liên quan đến sản phẩm nghe nhìn (audiovisual).

Để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành một ngành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Chúng ta đều biết rằng thành công của một bộ phim không thể đoán trước được. Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần có sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công và/hoặc tư nhân. Để những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiện truyền thống: rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế.

Bà Sylvie Forbin Phó Tổng Giám Đốc Lĩnh vực Bản quyền và Công nghiệp Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) phát biểu tại Hội thảo

Nhưng để điều này được bền vững và để ngành trở thành một ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan có liên quan đến quá trình sản xuất phim.

Đối với Việt Nam tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời chúc mừng Việt Nam đang có quá trình tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích, Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về Biểu diễn Nghe nhìn (audiovisual), một phần của các hiệp ước Internet của WIPO có thể mang lại cơ chế bảo vệ quyền của người biểu diễn trong các buổi biểu diễn nghe nhìn (audiovisual) của họ và vai trò quan trọng của các điều ước quốc tế đó trong việc thúc đẩy và bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Hiệp ước để các tác giả, người  biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu.

Tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ tập trung vào cách quyền tác giả và quyền liên quan mang lại động lực cho người sáng tạo, cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố hệ thống thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, thịnh vượng.

Về vĩ mô, ngành công nghiệp điện ảnh là một phần thiết yếu của nền kinh tế sáng tạo, đóng góp khoảng 5,5% GDP toàn cầu và 5,8% việc làm trên toàn thế giới.

Banner Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh”

Vì vậy, cải thiện hiệu suất của lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn (audiovisual) cũng có ý nghĩa là đầu tư vào hiệu suất tổng thể của nền kinh tế. Chẳng hạn, tại châu Á, phim ảnh là một phần thiết yếu trong thu nhập sáng tạo của Hàn Quốc và biến Hàn Quốc thành một cường quốc sáng tạo trên quy mô toàn cầu. Đối với Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đặt mục tiêu ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD vào năm 2030 và tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu này. Chính sách phát triển ngành Điện ảnh theo Luật Điện ảnh năm 2022 đã chỉ ra và cố gắng giải quyết những khía cạnh đáng quan tâm trong việc đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh cho ngành điện ảnh của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, WIPO cam kết là đối tác của Việt Nam trong việc thực hiện các chiến lược và chính sách này.

Vì lẽ đó, tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ làm rõ hơn việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan có thể giúp giải quyết hiệu quả những thách thức hiện nay và cải thiện hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực sáng tạo tại Việt Nam.

Xin chúc Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn!

img