Chủ Nhật, 11-09-2022 10:01
img

Tọa đàm Khoa học Bản quyền đối với các tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Ngày nay, với sự bùng nổ thông tin và các phương tiện lưu trữ cũng như truyền tải, con người ngày càng có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của mỗi quốc gia. Nhưng sự phát triển này cũng làm nảy sinh một số tranh chấp về sở hữu trí tuệ mà các quốc gia cũng đang hết sức quan tâm. Sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền nói riêng đang trở thành vấn đề gắn với rất nhiều hoạt động của xã hội, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt trong kỷ nguyên số và sự phát triển vượt bậc của internet, vấn đề bản quyền đối với các tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu khoa học lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Ngày 27/9/2022, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Cục Phó Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi thuyết trình và trao đổi với các giảng viên và cán bộ trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Tọa đàm Khoa học với chủ đề “Bản quyền đối với các tác phẩm trong hoạt động nghiên cứu khoa học”.

Hiện nay, tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục nói chung, trường đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng bao gồm các: luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nhiệp, đồ án, tiểu luận, các bài báo cáo khoa học, báo cáo nghiên cứu khoa học, bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết trình, giáo trình, sách giáo khoa, sách chuyên khảo… Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, với hệ thống đồ sộ các tài sản trí tuệ này, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả các trường đại học nên tự ý thức bảo vệ các thành quả sáng tạo, các tài sản trí tuệ của mình. Các trường đại học cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức tôn trọng bản quyền cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong trường; xây dựng chương trình đào tạo về bản quyền; quản lý các hoạt động sao chép trong trường, các công cụ phát hiện sao chép bất hợp pháp; quản lý hệ thống mạng Internet và phần mềm máy tính; xác định rõ chủ sở hữu quyền đối với các tài sản sở hữu trí tuệ phát sinh từ hoạt động nghiên cứu trong nhà trường; thành lập đơn vị chuyên trách về quyền sở hữu trí tuệ của trường.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Cục Phó Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuyết trình tại Tọa đàm

Thuyết giảng tại Tọa đàm, Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Việt Nam đã tham gia 2 Hiệp ước quốc tế của WIPO về bản quyền trên môi trường Internet: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việc tham gia 2 Hiệp ước đã góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là internet đối với yêu cầu bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo, lữu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet. Qua đó, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trong quá trình chuyền đổi số hiện nay.

Quang cảnh Tọa đàm

Quản lý và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của các trường đại học. Tôn trọng bản quyền trong hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng uy tín cho công trình nghiên cứu, tránh các tranh chấp về vấn đề bản quyền, từ đó khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo trong môi trường giáo dục đại học.

Lê Hương

 

img