Đặt câu hỏi

Độc giả: Lê Hồng Hải

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Chào Quý Cục, tôi là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả của 1 chương trình máy tính, để bảo hộ quyền tác giả cho chương trình máy tính, tôi đã tiến hành đăng ký bản quyền chương trình máy tính và đã được Qúy Cục cấp Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho chương trình máy tính. Cho phép tôi được hỏi: thời hạn bảo hộ của quyền tác giả của chương trình máy tính là bao lâu vì trên giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả không ghi thời hạn bảo hộ, rất mong được Quý Cục giải đáp thắc mắc này.
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Cục Bản quyền tác giả, với câu hỏi này, chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:

Quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ bao gồm 2 quyền: quyền tài sản và quyền nhân thân. Trường hợp cụ thể của bạn, bạn vừa là tác giả vừa là chủ sở hữu quyền tác giả. Vì vậy, bạn sẽ có đủ 2 quyền nêu trên.

 Thời gian bảo hộ đối với quyền nhân thân:

“Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân như sau:

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”

Căn cứ vào điều 27 – Luật sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định thời hạn bảo hộ như sau:

“Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả       

1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, quyền nhân thân quy định tại khoản 1,2,4 nêu trên bạn sẽ được pháp luật bảo hộ vô thời hạn.

Ảnh minh họa

Thời gian bảo hộ đối với quyền tài sản:

Quyền tài sản được quy định trong điều 20 Luật SHTT 2005 như sau:

“Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”

Căn cứ Khoản 2 điều 27 Luật SHTT sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định thời hạn bảo hộ quyền tài sản như sau:

“2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.”

Căn cứ vào quy định nêu trên, chương trình máy tính của bạn thuộc mục (b) nêu trên và sẽ có thời hạn bảo hộ quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết.

 

Độc giả: Nguyễn Phương Anh

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Chào Qúy Cục, tôi chuẩn bị đăng ký một tác phẩm văn học do tôi là tác giả và đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Tôi muốn hỏi Qúy Cục như sau: Tôi có cần tra cứu bản quyền tác giả trước khi nộp đơn đăng ký quyền tác giả không? Cá nhân có thể nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả được không? Tờ khai (đơn) đăng ký bản quyền tác giả lấy ở đâu?
Trả lời:

Trả lời:

Có cần tra cứu bản quyền tác giả trước khi nộp đơn đăng ký?

Việc tra cứu bản quyền tác giả trước khi nộp đơn đăng ký là cần thiết nhưng không phải bắt buộc do đặc thù hình thức bảo hộ của quyền tác giả khác với đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp, việc tra cứu bản quyền chỉ mang tính chất hình thức.

Cá nhân có thể nộp đơn đăng ký bản quyền tác giả được không?

Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là cá nhân hoặc pháp nhân đều có quyền nộp đơn đăng ký quyền tác giả để ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp cho tác phẩm của mình.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Do đó, cá nhân hoàn toàn có thể nộp đơn đăng ký quyền tác giả.

Tờ khai (đơn) đăng ký quyền tác giả lấy ở đâu?

Tờ khai (đơn) đăng ký quyền tác giả phải theo đúng mẫu của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đó là Cục Bản quyền tác giả. Do đó, bạn có thể truy cập vào website của Cục Bản quyền tác giả để được cung cấp các mẫu tờ khai cho việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

 

Độc giả: Bùi Minh Nhật

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Khi nào thì Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan? Thẩm quyền và thời hạn hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được quy định như thế nào trong Luật Sở hữu trí tuệ?
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Trường hợp hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả:

Trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Tổ chức, cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Hoặc trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp. Trong các trường hợp này, sau khi nhận được văn bản từ tổ chức, cá nhân thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Ngoài ra, trong trường hợp có Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Thẩm quyền và thời hạn hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận:

Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 22/2018/NĐ-CP thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 55 của Luật sở hữu trí tuệ.

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ khi nhận được một trong các giấy tờ dưới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:

– Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật sở hữu trí tuệ về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

– Văn bản của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp.

 

 

Độc giả: Nguyễn Hữu Bằng

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Chào Qúy Cục, Công ty chúng tôi mới sản xuất 1 bộ phim điện ảnh, Qúy Cục cho phép tôi được hỏi: Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phim điện ảnh như thế nào?
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Hồ sơ đăng ký bảo hộ đối với tác phẩm điện ảnh được thực hiện như sau:

Tờ khai đăng ký quyền tác giả: Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

– Hai bản sao tác phẩm điện ảnh;

– Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;

– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

 

Độc giả: Ngô Minh Nam

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Hiện nay, công ty chúng tôi đang thực hiện chương trình quảng cáo, truyền thông cho một hãng mỹ phẩm tại Hà Nội. Trong quá trình sản xuất, quay và dựng phim tư liệu về hãng mỹ phẩm. Do thời gian gấp, nên chúng tôi có sử dụng một tác phẩm âm nhạc của một nhạc sỹ nổi tiếng mà không xin phép tác giả. Xin hỏi cách làm như công ty tôi có vi phạm luật sở hữu trí tuệ về tác phẩm hay không? Xin cảm ơn.
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về hành vi xâm phạm quyền tác giả:

“1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”

 

Ảnh minh họa

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, bao gồm:

– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân (không nhằm mục đích thương mại – theo khoản 1 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP);

– Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình (phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn – theo Điều 23 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP);

– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

– Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu (là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số – theo khoản 2 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP);

– Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

– Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

– Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

– Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

Như vậy, theo các quy định trên thì việc công ty bạn đã sử dụng tác phẩm âm nhạc để sản xuất video quảng cáo, với mục đích thương mại và chưa được sự cho phép và chưa trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả thì công ty bạn đã vi phạm Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Độc giả: Đào Lan Hương

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Kính chào Cục Bản quyền tác giả, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau: Tôi có sáng tác ra một tác phẩm mới dựa trên tác phẩm khác. Tuy nhiên, tôi có xin phép và được chủ sở hữu đồng ý nhưng không làm thành văn bản. Hiện tại, tôi muốn đăng ký cho tác phẩm phái sinh này của mình nhưng không biết có cần văn bản đồng ý của tác giả tác phẩm gốc hay không? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ thắc mắc của mình gửi về Cục Bản quyền tác giả. Đối với trường hợp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin phép được hỗ trợ giải đáp dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (Luật SHTT), tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Hiện tại, quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền tài sản quan trọng của chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật SHTT. Theo đó, khi bạn muốn sử dụng quyền này cần phải xin phép và trả thù lao cho chủ sở hữu theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật SHTT.

Tuy nhiên, đối với thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm phái sinh, bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 50 bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
  • Hai bản sao tác phẩm phái sinh đăng ký quyền tác giả
  • Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.

Như vậy, hiện tại trong thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả chỉ yêu cầu điền tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh và cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn chứ chưa bắt buộc phải nộp kèm với văn bản đồng ý của tác giả tác phẩm gốc.

 

Độc giả: Đinh Khánh Hưng

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Kính chào Cục Bản quyền tác giả, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau: Cho tôi hỏi có cần thiết phải đăng ký bảo hộ bản quyền ở cơ quan nhà nước không? Và đối với những cá nhân như tôi thì có thể đăng ký bản quyền ở đâu? Mong Qúy Cục có thể hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ thắc mắc của mình về Cục Bản quyền tác giả. Đối với trường hợp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin phép được hỗ trợ giải đáp dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) có nêu rõ về căn cứ phát sinh quyền tác giả của tác phẩm như sau:

“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”

Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay việc xác định đâu là chủ sở hữu thật sự của tác phẩm lại không hề dễ dàng. Vì vậy, dù không phải là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả luôn được nhiều người quan tâm và thực hiện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện để tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền cho tác phẩm của mình.

Như vậy, có ba địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả trên cả nước như sau:

  • Cục Bản quyền tác giả
  • Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng.

 

Độc giả: Trần Kim Dung

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Kính chào Cục Bản quyền tác giả, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau: Tôi muốn làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình. Tôi muốn nhờ Cục Bản quyền tác giả tư vấn giúp tôi về thủ tục đăng ký bản quyền? Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

          Cục Bản quyền tác giả gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Quyền tác giả được bảo hộ tự động, nghĩa là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không phải đăng ký bản quyền tác giả nhưng vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác. Tuy nhiên khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả, nếu có tranh chấp xảy ra thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình. Do đó để được pháp luật bảo hộ tốt hơn thì chủ thể quyền tác giả nên đăng ký bản quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền.

Chủ thể quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác để nộp đơn đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.

Hồ sơ đăng ký bao gồm những loại giấy tờ được quy định tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ:

 Hồ sơ của bạn phải đảm bảo đầy đủ các giấy tờ trên thì mới được coi là hợp lệ. Nếu thiếu một trong những giấy tờ trên thì việc đăng ký bản quyền sẽ không thành công, khi đó bạn phải bổ sung hồ sơ đầy đủ cho Cục Bản quyền tác giả.

Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả cũng có thể từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho bạn, Cục Bản quyền tác giả sẽ thông báo bằng văn bản về lý do từ chối (xem thêm tại Điều 52 Luật SHTT). Lý do từ chối có thể do tác phẩm không thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả; tác giả của tác phẩm là một người khác; phát hiện tác phẩm có sự sao chép từ tác phẩm khác; nội dung tác phẩm trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Khi bị từ chối thì việc đăng ký bản quyền tác giả sẽ không được thành công, bạn cần phải xem xét lại hồ sơ của mình có bị từ chối đúng như văn bản trả lời của Cục Bản quyền tác giả hay không.

 

Độc giả: Nguyễn Ánh Tuyết

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Chào Qúy Cục, tôi đã đăng ký bản quyền tác giả cho 01 tác phẩm chương trình máy tính, hiện nay có 1 số đối tác muốn nhận chuyển nhượng bản quyền chương trình máy tính này, Qúy Cục vui lòng cho tôi biết thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả như thế nào? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Chào bạn, với câu hỏi này của bạn, chúng tôi trả lời như sau:

Sau khi đăng ký bản quyền và được cấp giấy chứng nhận đăng ký, vì 1 lý do nào đó bạn không có nhu cầu sử dụng tác phẩm, bạn có thể tiến hành thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả cho tác phẩm đăng ký từ chủ sở hữu tác phẩm cũ sang chủ sở hữu tác phẩm mới.

Để tiến hành thủ tục chuyển nhượng, bạn cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, trong hợp đồng chuyển nhượng sẽ bắt buộc phải có những nội dung sau:

a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

b) Căn cứ chuyển nhượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Bước 2: Nộp hồ sơ chuyển nhượng tới Cục bản quyền tác giả, thành phần hồ sơ gồm:

– Tờ khai đăng ký chuyển nhượng;

– Bản gốc hợp đồng chuyển nhượng;

– Bản sao chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước/hộ chiếu của chủ sở hữu mới (bên nhận chuyển nhượng là cá nhân) hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bên nhận chuyển nhượng là pháp nhân)

– Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;

– Bản gốc tác phẩm đã đăng ký

– Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền cho công ty đại diện thực hiện thủ tục chuyển nhượng

Bước 3: Theo dõi hồ sơ và nhận kết quả

Sau khi nộp hồ sơ, Cục Bản quyền tác giả sẽ xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho chủ sở hữu mới. Khi đó, quyền tài sản của tác phẩm sẽ được chuyển từ chủ sở hữu cũ sang chủ sở hữu mới.

 

Độc giả: Trương Bá Ngọc

08-01-2023
Câu hỏi: Câu hỏi: Mua bản quyền theo quy định luật Sở hữu trí tuệ như thế nào?
Trả lời:

Trả lời:

Ảnh minh họa

Mua bản quyền và bán bản quyền hay còn được gọi với thuật ngữ pháp lý là việc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những chế định khá quan trọng trong luật Sở hữu trí tuệ.

Mua bản quyền là gì?

Mua bản quyền được hiểu là việc nhận chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, mua bản quyền sẽ bao gồm việc nhận chuyển nhượng và việc nhận chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại các Điều 45 và Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. 

Nhận chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc tổ chức, cá nhân nhận  chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ từ chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nhận chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc cá nhân, tổ chức nhận được sự cho phép sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ từ chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

Hợp đồng mua bán bản quyền

Việc mua bản quyền phải được thực hiện thông quan hợp đồng bằng văn bản và nội dung hợp đồng phải có các nội dung như sau:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng/chuyển quyền và bên được chuyển nhượng/được chuyển quyền;
  • Căn cứ chuyển nhượng/chuyển quyền;
  • Phạm vi chuyển giao quyền;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Hợp đồng mua bán bản quyền này có hiệu lực theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục đăng ký, công chứng hay chứng thực nào.