Độc giả: Lê Bảo Ngọc
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 phần quyền tác giả, quyền liên quan, đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo (gọi chung là đơn) cho Cục Bản quyền tác giả để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả.
Đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Việc đăng ký bảo hộ không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả; tác phẩm dù có đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả đều được hưởng sự bảo hộ như nhau. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả lại cần thiết và rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt trong việc chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 phần quyền tác giả, quyền liên quan thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bằng chứng mặc nhiên xác nhận tư cách và quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã đăng ký.
Nếu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không đăng ký quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra các chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó, tức phải tự mình cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm. Trong nhiều trường hợp việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh quyền của mình là rất khó, thậm chí không thể chứng minh được mình là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm có tranh chấp.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả không quá phức tạp và chi phí rất nhỏ so với lợi ích thiết thực mang lại. Vì vậy, khi sáng tạo ra tác phẩm, đặc biệt các tác phẩm sáng tạo, có giá trị thương mại và nhiều khả năng bị sử dụng trái phép, chiếm đoạt thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên nhanh chóng thực hiện đăng ký quyền tác giả.
Độc giả: Nguyễn Như Quỳnh
Căn cứ Khoản 2 Điều 39 về Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan: “Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ khi nhận được một trong các giấy tờ dưới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:
a) Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật sở hữu trí tuệ về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
b) Văn bản của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp”.
Như vậy, thời hạn hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được một trong các giấy tờ nêu trên.
Độc giả: Phan Quốc Minh
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan thì:
“1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo…”
Như vậy, có thể xác định những thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo được coi là tin tức thời sự thuần túy.
Như bạn cũng biết thì hiện nay có khá nhiều trang báo online và những trang báo online này có những bài đơn thuần chỉ là cập nhật thông tin, đưa tin nhưng cũng có những bài được người viết (tác giả) chăm chút, thổi hồn vào, vô cùng ấn tượng, cuốn hút với người đọc. Do đó, với dữ liệu bạn đưa ra bạn chỉ sưu tập các tin tức ngành nghề qua các trang báo online thì chúng tôi chưa thể xác định bạn có vi phạm hay không. Việc bạn sử dụng những tin tức thuần túy thì có thể coi là việc cập nhật thông tin. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng các bài viết mang tính chất cá nhân, những hình ảnh được sáng tạo bởi các trang báo khác thì cũng có nghĩa là bạn vi phạm bản quyền đối với những tác phẩm, tin tức có tính sáng tạo, không tuần túy.
Độc giả: Đinh Huyền Trang
ảnh minh họa
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Như bạn đã trình bày thì có một số website đã tự ý sử dụng, đăng tải các tác phẩm là truyện tranh và các video của công ty bạn mà không xin phép và không trả bất cứ khoản tiền bản quyền nào cho công ty bạn. Như vậy, điều đó đã xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 8, 10 Điều 28 về các hành vi xâm phạm quyền tác giả và khoản 3, 8 Điều 35 về các hành vi xâm phạm quyền liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ).
Áp dụng Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tự bảo vệ, Công ty bạn là chủ sở hữu các tác phẩm truyện tranh và các bản video nêu trên áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân (chủ của các website nêu trên) có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, công ty bạn có thể gửi đơn đến các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm tác giả, quyền liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nêu trên.
Độc giả: Đinh Huyền Trang
Trả lời:
Ảnh minh họa
Mua bản quyền và bán bản quyền hay còn được gọi với thuật ngữ pháp lý là việc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những chế định khá quan trọng trong luật Sở hữu trí tuệ.
Mua bản quyền là gì?
Mua bản quyền được hiểu là việc nhận chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, mua bản quyền sẽ bao gồm việc nhận chuyển nhượng và việc nhận chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại các Điều 45 và Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Nhận chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ từ chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nhận chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc cá nhân, tổ chức nhận được sự cho phép sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ từ chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
Hợp đồng mua bán bản quyền
Việc mua bản quyền phải được thực hiện thông quan hợp đồng bằng văn bản và nội dung hợp đồng phải có các nội dung như sau:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng/chuyển quyền và bên được chuyển nhượng/được chuyển quyền;
- Căn cứ chuyển nhượng/chuyển quyền;
- Phạm vi chuyển giao quyền;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Hợp đồng mua bán bản quyền này có hiệu lực theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục đăng ký, công chứng hay chứng thực nào.
Độc giả: Nguyễn Mai Chi
Nôij dung câu hỏi 1
Độc giả: Đoàn Ngọc Minh
ục Bản quyền tác giả gửi lời chào đến bạn, cảm ơn bạn đã có sự quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Quyền tác giả được bảo hộ tự động, nghĩa là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không phải đăng ký bản quyền tác giả nhưng vẫn được pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác. Tuy nhiên khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả, nếu có tranh chấp xảy ra thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình. Do đó để được pháp luật bảo hộ tốt hơn thì chủ thể quyền tác giả nên đăng ký bản quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền.
Chủ thể quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác để nộp đơn đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.
Hồ sơ đăng ký bao gồm những loại giấy tờ được quy định tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Hồ sơ của bạn phải đảm bảo đầy đủ các giấy tờ trên thì mới được coi là hợp lệ. Nếu thiếu một trong những giấy tờ trên thì việc đăng ký bản quyền sẽ không thành công, khi đó bạn phải bổ sung hồ sơ đầy đủ cho Cục Bản quyền tác giả.
Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả cũng có thể từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho bạn, Cục Bản quyền tác giả sẽ thông báo bằng văn bản về lý do từ chối (xem thêm tại Điều 52 Luật SHTT). Lý do từ chối có thể do tác phẩm không thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả; tác giả của tác phẩm là một người khác; phát hiện tác phẩm có sự sao chép từ tác phẩm khác; nội dung tác phẩm trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Khi bị từ chối thì việc đăng ký bản quyền tác giả sẽ không được thành công, bạn cần phải xem xét lại hồ sơ của mình có bị từ chối đúng như văn bản trả lời của Cục Bản quyền tác giả hay không.
Độc giả: Nguyễn Quỳnh Anh
Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 51 của Luật sở hữu trí tuệ".
Như vậy, hiện nay, Cục Bản quyền tác giả có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Độc giả: Trần Quang Khánh
Đăng ký bản quyền tác giả các bài thơ
Căn cứ Khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 phần quyền tác giả, quyền liên quan, về Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:
“2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Và căn cứ Điều 34 về Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 phần quyền tác giả, quyền liên quan: “Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả); hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Như vậy, ông Minh Quân có thể viết giấy ủy quyền đi đăng ký quyền tác giả hoặc ông Minh Quân có thể gửi hồ sơ đăng ký quyền tác giả các bài thơ của mình qua bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả hoặc ông Minh Quân có thể nộp hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo địa chỉ: http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn.
Độc giả: Lê Quỳnh Chi
Ảnh minh họa
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
Đối với trường hợp của bạn, bạn cần tìm hiểu, miêu tả chính xác hơn hành vi sử dụng lời thơ của bạn như thế nào, nếu lời thơ của bạn được trích dẫn theo quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm tại Điều 23 Nghị định số 22/NĐ-CP đi kèm với nguồn gốc xuất xứ (ví dụ: trong tác phẩm X của mình, nhà văn Y có viết “….”) thì đây có thể coi là hành vi “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình” và người thực hiện hành vi này không phải xin phép, không phải trả tiền cho bạn. Ngược lại, nếu người đó sử dụng lời thơ của bạn mà không tuân thủ đúng những nguyên tắc nêu trên thì tức là người đó đã xâm phạm quyền tác giả của bạn, bạn có quyền yêu cầu người đó chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, hoặc trả tiền nhuận bút, thù lao…